Căn cứ xây dựng phương án là vụ Đông Xuân 2016-2017, đa số các địa phương sẽ hạn chế tối đa gieo cấy lúa trà Xuân sớm, tập trung vào trà Xuân muộn (gieo mạ và cấy xung quanh tiết Lập Xuân 3/2/2017). Bên cạnh đó, đảm bảo khả thi thực tiễn là tránh nghỉ Tết Nguyên đán và lợi dụng tốt nhất ảnh hưởng của thủy triều.
Thực tế, các vùng chịu ảnh hưởng của thủy triều có nhu cầu nước sớm để thau chua, rửa mặn. Năm nay, tình hình khô hạn nặng hơn mọi năm nên các địa phương cũng có nhu cầu cho đổ ải rất cao. Theo ông Vũ Văn Hanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hưng Yên (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên), địa phương có nhu cầu đổ ải 1 tháng trước khi gieo cấy. Do vậy, ngay từ ngày đầu lấy nước, rất cần mực nước tại cống Xuân Quan đạt 1,85m. Để đạt được mực nước này thì mực nước tại Hà Nội phải đạt 2,2m.
Theo ông Phạm Văn Lập, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng, thành phố có 50% diện tích cần đổ ải, việc lấy nước chủ yếu phục vụ khâu đổ ải. Với lịch gieo cấy Xuân muộn (15/2-25/2/1017), Hải Phòng cần làm đất trước 15-20 ngày, như vậy thành phố cần lấy nước đổ ải trước 1/2/2017.
Xây dựng phương án điều tiết nước vụ Đông Xuân 2016-2017: Ảnh: TTXVN |
Tuy nhiên, các địa phương thuộc địa bàn vùng cao như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Ninh… lại có nhu cầu nước muộn hơn. Đây cũng là những địa phương có nhu cầu nước cho thời kỳ tưới dưỡng cao hơn. Theo ông Nguyễn Quốc Đạt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam, mỗi địa phương có chất đất khác nhau; điều kiện công trình thủy lợi khác nhau trong khi sự biến đổi của dòng sông Hồng càng lớn (độ dốc sông ngày càng lớn) nên cần duy trì mực nước tối thiểu trong những ngày lấy nước tại Hà Nội đạt 2,2m.
Theo ông Vũ Xuân Khu, Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia - Tập đoàn Điện lực Việt Nam, để đảm bảo nhu cầu nước sản xuất cho tất cả các địa phương là bài toán khó. Có địa phương bị ngập nhưng lại có địa phương vẫn khô hạn. Ngoài việc xả nước, các hồ chứa còn phải vận hành theo quy tắc liên hồ chứa đã được quy định. Do vậy, các địa phương cần tích cực, quyết liệt để việc lấy nước hiệu quả, tiết kiệm.
Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, quan điểm việc điều tiết nước vụ Đông Xuân 2016-2017 là đáp ứng đủ nước để gieo cấy và cho tưới dưỡng nhưng cũng phải tiết kiệm nước để đảm bảo an ninh năng lượng. Trên cơ sở các ý kiến địa phương, Tổng cục sẽ trình phương án lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương. “Tuy nhiên, ngay từ bây giờ các địa phương cần chủ động nạo vét kênh mương nội đồng, chuẩn bị sẵn sàng các phương án lấy nước”, ông Nguyễn Văn Tỉnh nhấn mạnh.
Dự kiến vụ Đông Xuân 2016-2017, các tỉnh khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ sẽ có ba đợt lấy nước với tổng số 18 ngày.