Theo đó, các giống lúa triển vọng này đã được Viện HATRI lựa chọn thực hiện khảo nghiệm và tiến tới công nhận lưu hành, sớm đưa vào phục vụ canh tác.
Thông tin về 4 giống lúa, GS.TS Nguyễn Thị Lang, Viện trưởng Viện HATRI cho biết: Giống lúa Hatri 10 được lai tạo và chọn lọc từ năm 2014, có khả năng đẻ nhánh khá, chống chịu khô hạn tốt, năng suất cao từ 7 - 9 tấn/ha. Trong khi đó, được lai tạo và chọn lọc từ năm 2026, giống lúa Hatri25 có khả năng chống chịu ngập, khô hạn, mặn hoặc thời tiết bất lợi, phù hợp trồng ở những vùng trũng.
Có nguồn gốc từ giống Jasmine, giống lúa Hatri722 thuộc nhóm gạo thơm, trong và đẹp; giống lúa này có khả năng nổi bật là kháng bệnh bạc lá cấp 5, rầy nâu cấp 3 và năng suất trung bình khoảng 6,5 - 8 tấn/ha.
Riêng Hatri475 là giống lúa cao sản, ngắn này (khoảng 100 ngày), chống chịu tốt với rầy nâu và bệnh đạo ôn; phẩm chất gạo cao, ngon cơm, mùi thơm nhẹ; năng suất của giống Hatri475 có tiềm năng lớn trong vụ Đông Xuân và Hè Thu, trung bình từ 6 - 8 tấn/ha, một số nơi vượt trội đạt 9 tấn/ha.
GS.TS Nguyễn Thị Lang đánh giá, giống lúa Hatri475 thích hợp trồng ở các tỉnh như Long An, Tiền Giang và thành phố Cần Thơ. Trong khi đó, giống lúa Hatri10 đang được nhân rộng thử nghiệm khoảng 100ha trên các cánh đồng ở tỉnh An Giang.
Những năm qua, Viện HATRI đã có nhiều đóng góp vào quá trình tuyển chọn, lai tạo các giống lúa để góp phần tạo ra bộ giống phong phú cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Từ chương trình trình diễn, đánh giá các giống lúa mới này, Trung tâm Công nghệ sinh học (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang) đã lựa chọn được 2 giống lúa có năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt để thay thế cho các giống lúa đã bị thoái hóa trên địa bàn tỉnh và nhân rộng trong sản xuất thời gian tới.
Ở Cần Thơ, vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024, bà con nông dân quận Bình Thủy đã lựa chọn ra 5 giống lúa triển vọng (trong đó có giống Hatri10 và Hatri25) phù hợp với điều kiện sản xuất của vùng để sản xuất thử nghiệm.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ Trần Thái Nghiêm nhận định, đứng trước những biến động về thị trường, biến đổi khí hậu và biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới, việc nghiên cứu ra bộ giống lúa mới phục vụ phát triển sản xuất trong giai đoạn hiện nay là xu hướng tất yếu, vừa giải quyết nhu cầu thị trường, vừa giải quyết bài toán sản xuất.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, trong bối cảnh vùng đang triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, kỳ vọng những giống lúa mới được Viện HATRI giới thiệu sẽ sớm đưa vào sản xuất, gắn kết được với doanh nghiệp và nông dân. Đồng thời, tạo triển vọng để thành phố Cần Thơ sử dụng, phát triển gắn với việc xây dựng nhãn hiệu Gạo Cần Thơ.
Trong những năm gần đây, “ngân hàng lúa giống” tại Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long luôn có trên 1.000 giống lúa được lưu trữ, bảo quản; trong đó, có khoảng 30 giống đã được cung cấp cho các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung trồng khảo nghiệm; 3 giống lúa chủ lực phục vụ xuất khẩu đã được chuyển giao cho các doanh nghiệp...
Để giải quyết vấn đề bản quyền giống lúa khi lưu hành chính thức, Viện HATRI đã và đang phối hợp với ngành nông nghiệp các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện các đề tài nghiên cứu và chuyển giao.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Lang, giải pháp này sẽ tránh được tình trạng nhập nhằng, “mua đứt bán đoạn” đối với bản quyền giống lúa. Các địa phương sẽ có quyền sở hữu và nhân rộng đến nông dân toàn tỉnh để ứng dụng các giống lúa mới vào sản xuất, tạo tính ổn định và bền vững hơn.