Theo nhận định của nhà bình luận Ukraine Pavlo Kukhta trên tờ Kyiv Post mới đây, sau hơn 18 tháng giao tranh, nền kinh tế Ukraine rơi vào tình trạng hỗn loạn. Sau khi suy giảm 30% vào năm 2022, IMF dự báo nền kinh tế nước này chỉ tăng trưởng 1-3% vào năm 2023. Thiệt hại trực tiếp do xung đột ước tính lên tới 150 tỷ USD, gần tương đương với tổng GDP hiện tại của Ukraine. Nếu tính cả những tác động gián tiếp thì con số lên tới hàng trăm tỷ USD.
Hàng triệu người đã rời khỏi Ukraine trong khi hàng triệu người khác phải di tản trong nước. Tỷ lệ nghèo đói đã tăng từ 5,5% trước xung đột lên gần 25% vào năm 2022 và một số dự báo cho biết con số này sẽ đạt 55% vào cuối năm 2023.
Ông Kukhta cho rằng những thiệt hại là rất lớn khiến hàng triệu gia đình Ukraine đang phải đối mặt với khó khăn. Tuy nhiên, điều nguy hiểm hơn nữa là sự sụp đổ trong mô hình kinh tế của Ukraine. Những cách đảm bảo thu nhập thông thường của người Ukraine đột nhiên không còn khả dụng hoặc khó đạt được hơn nhiều.
Trước khi xung đột nổ ra, hàng triệu công dân Ukraine, nhiều trong số đó là nam giới, đã tìm việc làm ở các nước thuộc EU. Một số làm việc ở nước ngoài quanh năm, một số khác là lao động thời vụ; tổng số lao động này ước tính lên tới 7 triệu người. Trong những năm trước giao tranh, thu nhập từ hoạt động này tạo ra tương đương với khoảng 10% GDP. Những công nhân này mang lại thu nhập chính cho gia đình họ với tổng số người được hỗ trợ trực tiếp bởi hệ thống lao động khổng lồ này lên tới 20 triệu, chiếm một nửa dân số Ukraine.
Nhưng hệ thống này đã tê liệt sau tháng 2/2022. Chính phủ Ukraine đã cấm xuất cảnh đối với tất cả nam giới đủ điều kiện tham gia nghĩa vụ quân sự, như hầu hết các chính phủ khác sẽ làm trong tình huống tương tự. Cùng lúc đó, nhiều người lao động Ukraine ở nước ngoài đã trở về để bảo vệ quê hương. Cuộc xung đột trở thành cuộc chiến tiêu hao sinh lực từ đó đến nay.
Tuy nhiên, các hạn chế về việc rời khỏi Ukraine vẫn được áp dụng, thực tế đã làm suy sụp hệ thống lao động ở nước ngoài đang tạo cơ hội cho nhiều gia đình Ukraine. Song song đó, Nga tiến hành phong tỏa các cảng lớn của Ukraine, cắt đứt một phần lớn hàng xuất khẩu và thu nhập của nước này. Tuy nhiên, một yếu tố khác của mô hình kinh tế Ukraine trước xung đột đã bị ảnh hưởng nặng nề.
Xuất khẩu giảm khoảng 30% vào năm 2022 và tiếp tục giảm trong những tháng đầu năm 2023. Những nỗ lực mở rộng các tuyến hậu cần trên bộ và các sáng kiến ngoại giao như Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đã giúp ích phần nào, nhưng chưa đủ để cải thiện hoàn toàn tình hình. Một động lực của nền kinh tế Ukraine đã bị suy yếu.
Để bù đắp những vấn đề trên, các đối tác quốc tế của Ukraine đã cung cấp gói hỗ trợ tài chính trực tiếp hào phóng, trị giá khoảng 70 tỷ euro vào cuối tháng 5 vừa qua. Điều này gần tương ứng với tổn thất trong GDP và là lý do chính khiến nền kinh tế Ukraine vẫn đứng vững và chưa sụp đổ hoàn toàn, vấn đề có thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nỗ lực đối đầu với các lực lượng Nga của nước này.
Với chi phí tài chính khổng lồ để duy trì khoảng 1 triệu binh sĩ chiến đấu, khoản viện trợ này về cơ bản là thứ duy nhất góp phần đảm bảo ngân sách cho Ukraine. Theo cách hệ thống hiện đang được vận hành, nguồn thu trong nước từ thuế và các nguồn khác chủ yếu được lấy từ nguồn tài trợ cho quân đội. Tất cả các chi phí ngân sách khác – chủ yếu là tiền lương cho nhân viên khu vực công, lương hưu và các khoản chi trả xã hội khác – hầu hết đều được tài trợ bằng tiền của các nhà tài trợ.
Điều này đã tạo ra tình trạng khu vực tư nhân – động lực tăng trưởng của Ukraine trong 30 năm qua, chịu trách nhiệm tạo ra phần lớn việc làm và GDP trước xung đột – không có nguồn thu nhập. Cả nước sống nhờ thu nhập từ các nhà tài trợ của nhân viên khu vực công, người hưu trí và người nhận trợ cấp xã hội, cũng như binh sĩ và gia đình họ. Đây là động lực kinh tế duy nhất còn lại vẫn đang hoạt động, mặc dù bằng tiền do nhà tài trợ cung cấp.
Động lực này quá yếu đối với một quốc gia đông dân như Ukraine được chứng minh bằng tỷ lệ nghèo đói tăng vọt. Các doanh nhân, đặc biệt là với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng có tình trạng ảm đạm tương tự về tình hình nền kinh tế – nhu cầu thấp, quá ít người tiêu dùng,...
Rõ ràng, mọi thứ trên mặt trận kinh tế đều không tốt, và trong một cuộc chiến tiêu hao sinh lực, nền kinh tế cuối cùng sẽ là yếu tố có thể mang tính quyết định. Mặc dù Nga không có sự hậu thuẫn từ phương Tây giống như Ukraine, nhưng nước này vẫn sở hữu nguồn thu khổng lồ từ tài nguyên thiên nhiên, dù đã bị giảm sút bởi các lệnh trừng phạt. Ukraine chỉ có sự hỗ trợ của các nhà tài trợ, trong khi hầu hết các yếu tố khác đều nghiêng về phía Nga.
Tóm lại, ông Kukhta kết luận, việc tạo cơ hội cho người dân Ukraine đảm bảo thu nhập và duy trì nền kinh tế phát triển trong bối cảnh cuộc chiến tiêu hao sinh lực với Nga là một thách thức lớn đối với Kiev.