Tình trạng nắng nóng tại Bình Thuận bắt đầu từ đầu năm 2020 đến nay. Nhiệt độ tăng cao làm cho nguồn nước tự nhiên, dòng chảy trên các sông, suối thiếu hụt, nguồn nước ngầm cũng bị suy giảm mạnh. Trong lúc nhiều vườn thanh long phải đối mặt với tình trạng tóp cành, héo úa vì thiếu nước tưới thì tại xã Tiến Thành, thành phố Phan Thiết, nhiều vườn thanh long ở đây vẫn đủ nước tưới, xanh tốt và cho trái chín thu hoạch bởi người trồng đã biết áp dụng các biện pháp để chủ động nguồn nước tưới.
Vườn thanh long của ông Trần Văn Ngà, tại thôn Tiến Hòa (xã Tiến Thành) rộng khoảng 3 ha, trồng hai loại thanh long ruột đỏ và thanh long ruột trắng. Hiện tại vườn vẫn xanh mướt, không hề chịu tác động của đợt nắng hạn này.
Để đảm bảo nguồn nước tưới cho gần 3.000 trụ thanh long, ông Ngà đã khoan giếng và đào hai ao để tích trữ nước. Mỗi ao chứa nước được đào sâu 3 mét, diện tích khoảng 100 m2, được trải bạt dưới đáy để hạn chế việc thẩm thấu, thất thoát, miệng ao được xây thành xi măng để đảm bảo an toàn.
Trước đây, khu vực này nguồn nước tưới để phục vụ sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào nước trời nên chủ yếu trồng những cây ngắn ngày. Từ khi quyết định chuyển đổi sang trồng cây thanh long ông Ngà đã tính toán đến bài toán nguồn nước tưới nên đã chủ động đào và bố trí ao cho hợp lý.
Khi có ao, mùa mưa thì ông Ngà tích trữ nước để mùa nắng dùng. Ngoài ra, còn nguồn nước giếng khoan nên vườn thanh long vẫn dồi dào nước tưới. Thêm vào đó, việc tích trữ nước trong ao còn góp phần lắng đọng được chất phèn, vôi khiến nguồn nước đảm bảo hơn, ông Ngà cho biết.
Điều đặc biệt là khoảng 2 năm trở lại đây, cũng như nhiều nông dân trong vùng, ông Ngà đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm. Đây được coi là cách làm mang lại hiệu quả vượt trội không chỉ về tiết kiệm nước mà còn giảm chi phí sản xuất.
Ông Ngà cho hay, trước đây, gia đình áp dụng cách tưới tràn truyền thống vừa tốn công tưới vừa lãng phí nước, nhất là vào mùa khô hạn. Tuy nhiên, năm 2018 gia đình đã mạnh dạn đầu tư gần 200 triệu đồng lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến. Một hệ thống tưới phun mưa tự động trên cành và một hệ thống tưới phun sương quanh gốc trụ thanh long. Nhờ cách làm này mà gia đình yên tâm sản xuất trong mùa khô đồng thời tiết kiệm được công tưới.
Cách đó không xa, 2.500 trụ thanh long của anh Lê Thanh Hiền cũng đang cho trái chín, chờ tới ngày thu hoạch. Vừa mở hệ thống tưới tự động, anh Hiền cho biết, từ hiệu quả của một số hộ trong vùng gia đình cũng đầu tư hệ thống tưới vừa phun mưa trên cành vừa tưới phun sương dưới gốc.
Với việc điều chỉnh được lượng nước, cách tưới này không làm nước chảy tràn, gây úng nước, cây trồng hấp thụ nước hiệu quả mà còn tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình chăm sóc nhất là mùa chong điện.
Theo ông Mai Đức Tiến, Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Tiến Thành, địa hình của xã là đồi dốc, đất cát và không có hệ thống thủy lợi vì vậy để giữ được nguồn nước chỉ có cách đào ao lót bạt trữ nước. Toàn xã hiện có khoảng 300 hộ trồng thanh long và tất cả đều có ao, hồ chứa nước. Nhờ vậy đợt hạn hán năm nay, 400 ha thanh long của xã vẫn đủ nước tưới, tránh được thiệt hại.
Hiện nay tại nhiều địa phương trong tỉnh như huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân…, người dân đã chủ động áp dụng các biện pháp sử dụng nước hợp lý như: đào ao, cải tạo ao đìa, bê tông đáy ao hoặc dùng bạt trải trong ao đất, áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm…
Điều này cho thấy người dân ở Bình Thuận đã có những bước chủ động để đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và dần thích nghi với thời tiết ngày càng nắng nóng, khô hạn.