Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Trung đã có những chia sẻ với phóng viên TTXVN về những định hướng trong khôi phục sản xuất, việc đảm bảo nguồn cung ứng cây giống để đảm bảo sản xuất, đáp ứng nguồn cung thực phẩm kịp thời, nhất là cho Tết.
Thứ trưởng đánh giá thế nào về thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ vừa qua gây ra trong lĩnh vực trồng trọt và ngành có giải pháp gì để khôi phục sản xuất sau khi nước rút?
Bão số 3 và mưa lũ đã làm 312.000 ha cây trồng bị thiệt hại. Trong số đó, diện tích lúa bị ảnh hưởng 200.000 ha; rau màu 51.000 ha, riêng cây ngô 36.000 ha; 61.000 ha cây ăn quả, cây công nghiệp… Bão lũ vừa qua đã làm lĩnh vực trồng trọt bị thiệt hại trên 4.000 tỷ đồng.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhanh chóng tổ chức họp để chỉ đạo phục hồi sản xuất ngay sau bão lũ trên các lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt, lâm nghiệp với những hướng dẫn về kỹ thuật để sớm khôi phục sớm nhất với những diện tích có thể cứu lại được. Cùng với đó là các biện pháp tiêu úng được thực hiện khẩn cấp.
Để sớm có nguồn lực phục hồi sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp, hiệp hội. Các doanh nghiệp cũng rất trách nhiệm, cùng chung tay chia sẻ với sự mất mát của người dân. Bộ sẽ cùng cộng đồng doanh nghiệp với khả năng cao nhất, tình thần nhanh chóng, kịp thời nhất để hỗ trợ người dân nhanh chóng ổn định cuộc sống, phục hồi sản xuất.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có những hội nghị phục hồi sản xuất để đảm bảo khung mùa vụ và cơ cấu cây trồng. Từ đó, đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cuối năm và các năm tiếp theo.
Về cơ chế chính sách, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ sớm ban hành nghị định sửa đổi Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Việc ban hành nghị định sửa đổi sẽ góp phần đáng kể giúp các địa phương, người dân có nguồn lực tái tạo, phát triển sản xuất.
Nhiều vùng sản xuất hàng hóa lớn, đặc biệt sẽ phục vụ cho nhu cầu Tết đã bị thiệt hại. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ có giải pháp gì đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cho nhu cầu người dân thời gian tới?
Nhiều diện tích rau màu sản xuất lớn bị thiệt hại; cây ăn quả, cây cảnh cũng bị ảnh hưởng và thiệt hại. Trước mắt, những vườn cây ăn trái, cây cảnh, những khu vực trồng rau màu áp dụng ngay các biện pháp mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hướng dẫn và có thể cứu được, rồi phục hồi trở lại.
Về nguồn cung lương thực, thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang rất nỗ lực triển khai ngay các giải pháp ứng phó từ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cũng như vấn đề rau màu, cây ăn quả… để đảm bảo nguồn cung cho cuối năm.
Tuần tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức hội nghị sản xuất cây vụ Đông ở các tỉnh phía Bắc. Đây là vụ cây hàng năm, với diện tích sản xuất với khoảng 400.000 ha. Nếu sản xuất tốt cây vụ Đông sẽ đáp ứng tốt nhu cầu thực phẩm cho nội tiêu, đặc biệt là phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực khác như chăn nuôi, thủy sản cũng đang được các lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời chỉ đạo cùng các giải pháp để phục hồi sớm. Qua đó, người dân tiếp tục kinh doanh, sản xuất ổn định và cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm từ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đến trồng trọt.
Như vậy, sản xuất cây vụ Đông năm nay chắc chắn sẽ phải ra đặt trong bối cảnh hoàn toàn khác so với hàng năm. Vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự tính vụ Đông này sẽ triển khai như thế nào?
Hàng năm, diện tích vụ Đông dao động 350.000 - 400.000 ha. Năm nay, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp địa phương tối đa hóa diện tích cây vụ Đông. Những diện tích nào bị thiệt hại mất trắng, không có khả năng phục hồi sẽ đẩy sớm cây vụ Đông. Như vậy, diện tích cây vụ Đông sẽ tăng lên.
Các địa phương sẽ phải cơ cấu lại và sử dụng các giống cây trồng ngắn ngày để quay được nhiều vòng sản xuất trước khi bước vào vụ lúa Đông Xuân 2024 - 2025. Các địa phương cũng chủ động xin từ nguồn dự trữ quốc gia cũng như các doanh nghiệp cung ứng kịp thời nhất về cây giống.
Với phương châm mọi thứ vẫn phải nội lực tại chỗ, địa phương cũng phải chủ động phối hợp với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với các doanh nghiệp bảo đảm cung ứng toàn bộ các loại giống, các loại vật tư nông nghiệp, phục vụ cho vụ Đông sản xuất một cách sớm nhất, bảo đảm diện tích và năng suất.
Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, nhu cầu giống lúa ở các tỉnh bị thiệt hại khoảng 15.000 tấn để sản xuất vụ Đông Xuân 2024 - 2025. Tuy nhiên, kho dự trữ quốc gia chỉ có hơn 4.000 tấn. Điều này đặt ra thách thức như thế nào trong vụ Đông Xuân tới, thưa Thứ trưởng?
Hiện trong kho dự trữ quốc gia có khoảng 5.800 tấn lúa; trong đó cơ cấu giống lúa các loại để phục vụ cho các tỉnh phía Bắc vào hơn 4.000 tấn. So với nhu cầu nhu cầu giống lúa ở các tỉnh bị thiệt hại khoảng 15.000 tấn thì còn thiếu trên 10.000 tấn.
Với sự chung tay của các doanh nghiệp hiện nay và các nguồn lực khác hiện đang có, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp cùng các địa phương, kết hợp các chính sách hỗ trợ thì hoàn toàn có thể cung ứng đủ số lượng giống để nhân dân phục vụ cho sản xuất vụ sắp tới.
Đây là lượng giống để phục vụ cho vụ Đông Xuân 2024 - 2025, nên còn thời gian để huy động, bảo đảm cung ứng và hỗ trợ cho nông dân vùng bị thiên tai, bão lũ đủ nguồn giống để sản xuất.
Cảm ơn những chia sẻ của Thứ trưởng!