Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, biện pháp kiểm dịch động thực vật, kiểm tra an toàn thực phẩm được các quốc gia thực hiện nhằm đảm bảo sức khỏe, cuộc sống của con người, động vật, thực vật tránh ảnh hưởng và lây lan qua thương mại quốc tế.
Trong số các thị trường xuất khẩu nông sản quan trọng của Việt Nam, hiện Trung Quốc có nhiều thay đổi trong quy định an toàn thực phẩm, tập trung truy xuất nguồn gốc, chưa thực hiện nhiều quy định kiểm tra, giám sát mức dư lượng. Song đối với các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đã nhận cảnh báo từ phía bạn về lượng thuốc trừ sâu, ô nhiễm vi sinh vật.
Đối với thị trường Nhật Bản, các quy định đều thuận lợi cho doanh nghiệp song yêu cầu tính minh bạch, trung thực của doanh nghiệp sang thị trường này rất cao. Hàn Quốc cũng là một thị trường "khó tính" với quy định cụ thể về dư lượng, loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, để xuất khẩu thuỷ sản vào EU, doanh nghiệp đăng ký danh sách với cơ quan có thẩm quyền (NAFIQAD) để kiểm tra và phê duyệt vào danh sách được phép xuất khẩu; đồng thời tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm của khu vực này.
Chia sẻ về yêu cầu mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói được nhiều quốc gia áp dụng trong nhập khẩu nông sản thời gian gần đây, bà Phan Thị Thu Hiền - Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2, Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, hiện nhiều thị trường đã yêu cầu các vùng trồng và cơ sở đóng gói của nước xuất khẩu phải được giám sát chặt chẽ và cấp mã số định kỳ. Các vùng trồng và cơ sở đóng gói cần đảm bảo việc tuân thủ yêu cầu của từng quốc gia, từng thị trường. Vùng trồng và cơ sở đóng gói đăng ký trên tinh thần tự nguyện, sau đó sẽ được kiểm tra, đánh giá định kỳ và phải được công nhận bởi các nước nhập khẩu, giám sát bởi cơ quan quản lý.
Việc thiết lập vùng trồng để cấp mã số sẽ bao gồm xác định diện tích, sử dụng thống nhất một quy trình sản xuất trong vùng trồng, kiểm soát các sinh vật gây hại thuộc danh mục đối tượng kiểm dịch thực vật của các nước, có nhật ký canh tác, thực hành nông nghiệp tốt, tối thiểu là theo quy trình VietGAP.
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, hiện nay việc cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói mới triển khai chủ yếu đối với cây ăn quả, chưa triển khai được nhiều với các sản phẩm có khối lượng xuất khẩu lớn như lúa, chè, hồ tiêu, cà phê… Đặc biệt, vẫn còn tình trạng mạo danh mã số vùng trồng, sử dụng không đúng mã số để xuất ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam.
Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên thành công trong việc xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, bà Hồ Đức Minh, Tổng giám đốc Công ty Vạn Xuân Phát chia sẻ, đối tác phía Trung Quốc khi nhập khẩu sầu riêng rất thẳng thắn. Nếu sầu riêng không đáp ứng được các yêu cầu về kiểm dịch thực vật, mã số vùng trồng, doanh nghiệp sẽ từ chối mua và không bao giờ quay trở lại.
Theo bà Hồ Đức Minh, nông dân hoàn toàn biết tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, tuy nhiên, việc tuân thủ hay không lại là câu chuyện khác. Với các sản phẩm nông sản đã chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép doanh nghiệp khi tiếp nhận không có cách nào xử lý được và lô hàng đó không thể nào xuất khẩu được.
"Tiêu chuẩn đặt ra không phải để làm khó nông dân, việc các quốc gia đưa ra các tiêu chuẩn, hàng rào về kỹ thuật ngày một nhiều vừa để bảo vệ người tiêu dùng, vừa để thúc đẩy chất lượng nông sản ngày càng hoàn thiện hơn. Muốn tham gia thị trường bền vững, việc đáp ứng các tiêu chuẩn thị trường là điều kiện cơ bản mà người sản xuất, kinh doanh phải tuân theo" - bà Hồ Đức Minh nhấn mạnh.
Ông Bùi Phước Hòa, chuyên gia Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao cho rằng, tiêu chuẩn là chuẩn mực chung nhằm xác định và giảm thiểu rủi ro dọc theo chuỗi cung ứng của khách hàng với các hoạt động, quy trình, hệ thống, con người hoặc năng lực. Tuy nhiên, hiện nay quá trình xây dựng tiêu chuẩn cho nông sản đang gặp phải một số khó khăn. Đầu tiên là vấn đề chi phí; trong đó bao gồm chi phí xây dựng tiêu chuẩn, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, kiểm nghiệm, giám định và các chi phí quản lý.
Tiếp đến là thời gian; trong đó bao gồm thời gian kiểm soát các công đoạn theo tiêu chuẩn, lập và lưu trữ hồ sơ, đánh giá lại hoạt động đã thực hiện và thời gian cập nhật, trao đổi thông tin. Một trở ngại khác là văn hóa trong sản xuất khi nhiều mô hình quản lý theo quy mô hộ gia đình, chưa tách biệt rõ vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của đội ngũ nhân sự; chưa hình thành thói quen lưu giữ bằng chứng tuân thủ quy định.
Để giải quyết những khó khăn này, ông Bùi Phước Hòa cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần nhất quán về chính sách, tạo ra những quy định xuyên suốt giữa các bộ ngành, tổ chức đào tạo hoặc hỗ trợ chi phí đào tạo về tiêu chuẩn. Về phía người nông dân, cần đẩy mạnh liên kết và minh bạch hóa trách nhiệm đi cùng với lợi ích. Họ cũng cần có người dẫn đường có tầm và có tâm để giúp họ hiểu được lợi ích khi tuân thủ tiêu chuẩn và ổn định chất lượng sản phẩm.
Ông Lê Thanh Hòa khuyến nghị, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực, nhận thức trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật và yêu cầu về kiểm dịch, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của thị trường. Đồng thời, nâng cao nhận thức, tư duy từ số lượng sang chất lượng và tính an toàn của sản phẩm cũng như đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm của thị trường.
Bên cạnh đó, cần thiết lập cơ chế hợp tác giữa cơ quan quản lý - doanh nghiệp - người sản xuất nhằm đảm bảo toàn về chất lượng và số lượng cho toàn bộ chuỗi cung ứng; xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho sản phẩm ở thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nhận định Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng và vô cùng tiềm năng đối với phần lớn nông sản Việt Nam, bà Phan Thị Thu Hiền cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam cần chủ động làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để thảo luận biện pháp phối hợp trao đổi thông tin mở cửa thị trường, quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Về phía doanh nghiệp, cần chủ động biện pháp bảo vệ mã số của mình, kịp thời thông báo tới các cơ quan quản lý hàng hóa xuất khẩu từ những mã số của mình, cũng như khi phát hiện những vi phạm liên quan đến sử dụng mã số để có sự phối hợp, xử lý. Đồng thời, cần chủ động vùng nguyên liệu bằng cách liên kết với các địa phương để cấp mới, liên kết các vùng trồng đã được cấp mã số để giữ vững và nâng cao chất lượng nông sản.
Để nâng cao và duy trì chất lượng nông sản ổn định, nhiều doanh nghiệp cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam cần đổi mới phương thức tổ chức sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, quy mô lớn, ứng dụng cơ giới hóa nâng cao năng suất lao động, thực hiện phân công lại lực lượng lao động trong nông nghiệp. Từ đó, xây dựng được các chuỗi cung ứng từ đầu vào - cung cấp dịch vụ (vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tài chính, bảo hiểm) đến thu mua, chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu tạo ra một nền nông nghiệp có trách nhiệm và bền vững.