Đây là dự án hạ tầng giao thông lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay, không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai, mà thúc đẩy phát triển cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Để khai thác hiệu quả sân bay Long Thành, việc đầu tư hạ tầng giao thông kết nối từ các địa phương, vùng miền với sân bay này là cấp thiết, cần triển khai ngay, nhất là giữa Đồng Nai với TP Hồ Chí Minh.
Hiện nhiều dự án giao thông kết nối đang được triển khai cũng như quy hoạch xây dựng trong tương lai gần. Tuy nhiên, hầu hết các dự án triển khai khá chậm so với quy hoạch, do vậy cần đầu tư nguồn lực, tập trung vào các dự án mang tính liên vùng, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội cả khu vực.
TTXVN giới thiệu loạt bài viết về thực trạng hạ tầng giao thông kết nối với sân bay Long Thành, những cơ hội cũng như thách thức đặt ra trong giai đoạn hiện nay.
Sân bay Long Thành được khởi công vào tháng 1/2021, do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư. Dự kiến, quý I/2022, ACV khởi công nhà ga hành khách; đến cuối năm 2025, giai đoạn 1 sân bay Long Thành sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác. Tương lai, dự án này sẽ tạo động lực phát triển cho tỉnh Đồng Nai cũng như khu vực lân cận.
Bước phát triển mới
Để tận dụng những cơ hội, lợi thế từ sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai đang tiến hành rà soát, quy hoạch nhiều tuyến giao thông kết nối các khu vực, quốc lộ với sân bay, từ đó hình thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, đồng bộ, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với triển khai xây dựng sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai cũng đang gấp rút thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Sau khi Nhà nước thu hồi đất, gia đình ông Nguyễn Văn Hòa, xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai được bồi thường, hỗ trợ tiền và được cấp một lô đất rộng gần 200m2 tại Khu tái định cư Lộc An – Bình Sơn. Vừa qua, gia đình ông bắt đầu xây nhà với 1 trệt, 1 lầu trên lô đất được cấp và sau gần 2 tháng thi công, ngôi nhà sắp xong phần thô, dự kiến hơn 1 tháng nữa hoàn thành.
Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết, bản thân gia đình ông cũng như người dân địa phương đều chấp hành chủ trương bàn giao mặt bằng để sớm triển khai xây dựng sân bay Long Thành. Dù gặp khó khăn về kinh tế khi làm nhà nhưng rất vui, đây là động lực để làm việc, tạo tiền đề cho tương lai tốt hơn. "Những khu dân cư mới với những tuyến đường được mở rộng giúp người dân có thêm việc làm để ổn định cuộc sống. Chúng tôi cũng mong chờ sân bay sớm hoàn thành, để giúp có thêm công việc như chạy xe chở khách, buôn bán, dịch vụ", ông Hòa chia sẻ.
Cùng với tái định cư cho người dân, những năm qua, tỉnh Đồng Nai dành nguồn lực rất lớn đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là tại huyện Long Thành, Nhơn Trạch và thành phố Biên Hòa – các địa phương có các tuyến đường huyết mạch kết nối trực tiếp giữa Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh.
Theo ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, nhu cầu kết nối giao thông trên địa bàn Đồng Nai là vấn đề cấp bách. Bởi hiện nay, sân bay Long Thành đã khởi công, dự kiến năm 2025 đi vào khai thác.
Giữa tháng 10 vừa qua, Dự án đường 319 nối dài và nút giao với cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây tổng vốn hơn 960 tỷ đồng, cũng đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Dự án có điểm đầu tại ngã ba Bến Cam, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và điểm cuối tại nút giao với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Ông Cao Tiến Dũng đánh giá, dự án hoàn thành có ý nghĩa rất quan trọng với Đồng Nai và các tỉnh, thành khác. Tuyến đường sẽ rút ngắn hành trình từ TP Hồ Chí Minh đi Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, đồng thời góp phần giảm tải cho Quốc lộ 51. Điều này tạo tiền đề cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đô thị mới Nhơn Trạch cũng như tỉnh Đồng Nai. Tuyến đường mang ý nghĩa rất lớn trong phát triển logistics của Đồng Nai, rút ngắn thời gian lưu thông, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa cho các doanh nghiệp.
Theo quy hoạch, khi hoàn thành xây dựng, sân bay Long Thành sẽ là sân bay lớn nhất cả nước. Chính vì vậy, Đồng Nai xác định lấy sân bay Long Thành làm trung tâm để xây dựng hệ thống giao thông kết nối các địa phương với sân bay, từ đó có thể lan tỏa được động lực phát triển của dự án để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội các địa phương. Đồng thời, khi có được hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, bài bản cũng sẽ giúp phát huy tối đa lợi thế của sân bay Long Thành.
Trung tâm kết nối
Vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã chấp thuận chủ trương đầu tư 4 tuyến đường kết nối các địa phương trên địa bàn tỉnh, với nhiều đường trực tiếp kết nối sân bay Long Thành. Dự kiến vốn đầu tư 4 dự án hơn 7.000 tỷ đồng chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng. UBND tỉnh Đồng Nai đã giao các đơn vị liên quan lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, đề xuất chủ trương đầu tư các dự án trên.
Theo ông Nguyễn Bôn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai, sân bay Long Thành chính là trung tâm để xây dựng hệ thống giao thông kết nối với các địa phương trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Trong quy hoạch điều chỉnh giao thông của tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, phần lớn các tuyến đường được đề xuất mở mới, mở rộng và nâng cấp đều lấy sân bay Long Thành làm trung tâm.
Theo đó, tỉnh đã quy hoạch mở mới 4 tuyến đường kết nối các địa phương đến khu vực sân bay Long Thành cũng như giảm tải cho các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn tới. Các đường này sẽ có lộ giới từ 45 – 60 m. Toàn bộ 4 tuyến đường được triển khai trong giai đoạn 2021 – 2025.
Trong đó, đường ĐT.770B với chiều dài 53 km, vốn đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng, kéo dài từ đoạn giao với đường ĐT.763, thuộc huyện Định Quán đến Quốc lộ 51, huyện Long Thành. Đây là tuyến đường chiến lược, trục giao thông chính quan trọng kết nối các huyện Định Quán, Thống Nhất, Cẩm Mỹ và thành phố Long Khánh đến sân bay Long Thành.
Đường ĐT.773B, chiều dài hơn 51 km, tổng kinh phí khoảng 1.700 tỷ đồng, bắt đầu từ đường song hành phía Đông Quốc lộ 20 thuộc huyện Thống Nhất đến đường ĐT.764 thuộc huyện Cẩm Mỹ. Đường này nhằm chia sẻ lưu lượng phương tiện cho đường ĐT.773, cũng như tạo thêm kết nối cho khu vực cửa ngõ phía Đông Nam của sân bay Long Thành.
Trong khi Đường ĐT.780B từ Quốc lộ 1, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai đến đường Sông Nhạn – Dầu Giây thuộc huyện Cẩm Mỹ, sẽ kết nối Quốc lộ 1 qua các huyện Trảng Bom, Thống Nhất đến khu vực cửa ngõ phía Đông sân bay Long Thành.
Bên cạnh 3 tuyến đường kết nối trực tiếp với sân bay Long Thành nêu trên, Đồng Nai còn mở thêm tuyến đường ĐT.763B từ Quốc lộ 56 thuộc huyện Cẩm Mỹ đến nút giao giữa đường huyện Suối Quýt và đường Phước Bình – Bàu Cạn – Cẩm Đường thuộc huyện Long Thành. Đây là đường nhằm kết nối các huyện phía Đông của Đồng Nai, đồng thời chia sẻ lưu lượng phương tiện giao thông cho Quốc lộ 1, Quốc lộ 20 và nút giao Dầu Giây hiện đang quá tải, tạo thuận lợi cho người và phương tiện lưu thông đến sân bay Long Thành.
Những năm tới, Đồng Nai cũng sẽ mở rộng, nâng cấp nhiều tuyến đường như: đường ĐT.769 đoạn giao với Quốc lộ 1, huyện Thống Nhất đến đường giao với Quốc lộ 51B; đường ĐT.772, nối Trảng Bom với huyện Xuân Lộc; đường ĐT.773; đường 769E đoạn từ ranh sân bay Long Thành đến đường Vành đai 4. Các tuyến đường này giúp giảm tải cho nhiều tuyến quốc lộ vốn đang rơi vào cảnh quá tải, giúp thông thương hàng hóa giữa 32 khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trở nên dễ dàng hơn.
Theo ông Cao Tiến Dũng, những năm tới, Đồng Nai sẽ là "đại công trường" với hàng loạt dự án hạ tầng giao thông được thực hiện. Bên cạnh các dự án do Trung ương triển khai trên địa bàn tỉnh như sân bay Long Thành, cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, thì địa phương cũng ưu tiên vốn để xây mới, mở rộng hàng loạt đường kết nối với trung tâm là sân bay Long Thành.
Đồng Nai xác định, sân bay Long Thành là động lực giúp các huyện, thành phố xung quanh phát triển. Niệm vụ trọng tâm của tỉnh là quy hoạch một mạng lưới giao thông đồng bộ, hiện đại, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế mà sân bay Long Thành mang lại.
Bài 2: Còn thiếu đồng bộ