Đầu tư trực tiếp nước ngoài: Siết chặt để tăng chất lượng

Phóng viên Tin Tức đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Nhật Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (FIA) về việc siết chặt đối với việc cấp phép và thực hiện các dự án FDI.

´Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị 1617/CT - TTg yêu cầu các các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ tăng cường thực hiện và chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trực tiếp nước ngoài ĐTNN, ý kiến của Cục về vấn đề này như thế nào?

Hiện nay, việc cấp phép các dự án đầu tư nước ngoài đã được phân cấp cho ủy ban nhân dân cấp tỉnh và ban quản lý các khu công nghiệp. Việc cấp phép phải dựa trên cơ sở luật pháp. Trong đó, có một nội dung quan trọng trong quá trình cấp phép là phù hợp với quy hoạch. Nếu trường hợp cấp phép không đúng luật thì cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư địa phương phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ.

Sản xuất nước giải khát tại Công ty TNHH nước giải khát Kirin Việt Nam (vốn 100% nước ngoài) tại khu công nghiệp Mỹ Phước 2 (Bình Dương). Ảnh: Thanh Vũ - TTXVN


Về phía Cục Đầu tư nước ngoài luôn có quan điểm việc cấp phép phải đúng luật, đúng quy hoạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cử một số đoàn thanh tra về các địa phương để kiểm tra về sân golf, hiện nay đang kiểm tra các dự án về bất động sản, tới đây cũng sẽ kiểm tra một số dự án về khoáng sản, thép, xi măng.

Chúng tôi thấy rằng sắp tới cần phải có xử lý căn bản hơn. Hiện nay, chúng tôi cũng đã có nhiều cuộc họp với các bộ, ngành để chấn chỉnh việc này.

´Đối với các dự án sắt, thép, xi măng được kiểm tra trong thời gian tới, nếu xác định sai phạm trong quá trình cấp phép sẽ xử lý như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi sẽ tập trung vào những dự án tiêu tốn nhiều năng lượng, để bảo đảm an ninh năng lượng. Những dự án sau khi kiểm tra nếu thấy không hiệu quả, Cục sẽ đề xuất các cơ quan có thẩm quyền phải xem xét.

Nếu không có khả năng triển khai thì phải rút giấy phép, hoặc tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư để triển khai dự án.

´Năm nay, vốn FDI đăng ký chưa đạt được 10 tỷ USD, chỉ bằng một nửa so với mục tiêu 20 tỷ USD cho cả năm. Cục đánh giá như thế nào về con số này?

Dấu hiệu đăng ký đầu tư nước ngoài có chững lại. Năm nay, có khả năng không đạt được mục tiêu đề ra. Nhưng chúng tôi sẽ cố gắng để con số giải ngân của các dự án sẽ không giảm.

Bên cạnh đó, những năm trước, con số lớn thường do nhiều dự án quy mô lớn nhưng lại không có khả năng triển khai. Hiện nay, chúng ta đã có xem xét chặt chẽ hơn, chú trọng vào chất lượng đầu tư. Do vậy, những dự án không thực chất, có tư tưởng vận dụng luật pháp hay quá trình xem xét chưa chặt chẽ đã bị đình lại, nhường chỗ cho những dự án chất lượng, có thể quy mô nhỏ hơn nhưng các nhà đầu tư có năng lực triển khai.

Trong cơ cấu đầu tư gần đây, những dự án bất động sản ít xuất hiện nên số vốn đăng ký cũng giảm đi, nhường chỗ cho những dự án ngành công nghiệp chế tạo. Nếu nhìn cơ cấu đầu tư thì thấy rằng, ngành công nghiệp chế tạo chiếm khoảng 50%. Đó là yếu tố bền vững.

´Là cơ quan quản lý nhà nước, Cục Đầu tư nước ngoài có đề xuất gì để việc thu hút FDI mang lại hiệu quả thực sự với nền kinh tế?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 108 hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư dựa vào tiêu chí chặt chẽ và rõ ràng hơn để hoạt động đầu tư nước ngoài thực chất và chất lượng hơn. Bộ Kế hoạch Đầu tư dự kiến đưa lại tiêu chí xem xét năng lực tài chính nhà đầu tư với yêu cầu nhà đầu tư phải có ít nhất 30% vốn tự có trên tổng giá trị dự án. Đây là sự rút kinh nghiệm từ thực tiễn thời gian qua. Đồng thời, nghị định 108 cũng sẽ đưa lại tiêu chí thẩm định năng lực tài chính nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu để nâng pháp lệnh xử phạt hành chính lên thành luật nhằm tăng mức xử phạt các hành vi sai phạm trong hoạt động đầu tư nước ngoài, qua đó mới có ý nghĩa răn đe.

Ngoài ra, việc thẩm tra để sàng lọc bớt các nhà đầu tư thiếu năng lực là cần thiết nhưng để quản lý các dự án đầu tư FDI hiệu quả, khâu hậu kiểm sau cấp phép là quan trọng nhất. Đặc biệt, các văn bản pháp luật sửa đổi trong thời gian tới cần theo hướng xử lý mạnh tay hơn với các hành vi sai phạm; đồng thời cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chuyên ngành trong hoạt động giám sát các dự án đầu tư nước ngoài. Theo tôi, quy định hậu kiểm như vậy được ban hành sẽ có tác dụng răn đe, loại bỏ các nhà đầu tư có ý định trục lợi từ Luật Đầu tư quá thông thoáng của Việt Nam; đồng thời giúp nguồn vốn FDI phát huy hiệu quả thực sự cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Xin cảm ơn Cục trưởng!

HV - KA (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN