Giá vàng tăng khi đồng USD đi xuống
Vào lúc 14 giờ 50 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 2.032,70 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 2/2024 tăng 0,5% lên 2.051,70 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD đo sức mạnh của “đồng bạc xanh” so với rổ các đồng tiền chủ chốt đã giảm 0,1%, khiến vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua nắm giữ các đồng tiền khác. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã giảm xuống 4,2375%.
Bên cạnh đó, theo công cụ FedWatch của công ty CME, giới giao dịch đã giảm xác suất Fed hạ lãi suất trước tháng 3/2024 từ 70% xuống khoảng 60%.
Giới đầu tư đag chờ đợi số liệu việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp của Mỹ để tìm kiếm thêm manh mối về đường hướng lãi suất.
Số liệu tuần trước cho thấy áp lực lạm phát đang hạ nhiệt và thị trường lao động cũng đang dần nới lỏng. Điều này củng cố khả năng Fed sẽ sớm hạ lãi suất. Lãi suất giảm sẽ làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi như vàng.
Ngoài ra, chuyên gia thị trường Russell Shor của công ty FXCM nhận định tình hình căng thẳng ở Trung Đông và lo ngại về nguy cơ xung đột này lan rộng đã thu hút dòng vốn tìm đến vàng.
Giá dầu ổn định trước những bất ổn về kế hoạch sản lượng của OPEC+
Dầu vững giá tại châu Á trong phiên chiều 5/12 trước những bất ổn xung quanh các mức cắt giảm sản lượng tự nguyện của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, tình hình căng thẳng ở Trung Đông và số liệu kinh tế yếu từ Mỹ.
Vào lúc 14 giờ 35 phút theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 14 xu Mỹ lên 78,17 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 15 xu Mỹ lên 73,19 USD/thùng.
Ông Kelvin Wong, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao khu vực châu Á - Thái Bình Dương của công ty OANDA, cho biết giá dầu được hỗ trợ phần nào bởi những bình luận của Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia rằng các mức cắt giảm sản lượng của OPEC+ có thể được kéo dài quá quý I/2024 nếu cần thiết. Tuy nhiên, căng thẳng gia tăng tại Israel đã làm dấy lên những lo ngại về nguồn cung.
Bên cạnh đó, số liệu được công bố ngày 5/12 cho thấy lượng đơn đặt hàng nhà máy của Mỹ đã giảm nhiều hơn dự đoán trong tháng Mười, với mức giảm mạnh nhất trong hơn ba năm qua. Số liệu này làm gia tăng những lo ngại về triển vọng nhu cầu tại Mỹ. Giưới phân tích cho rằng tình hình này cũng cố quan điểm rằng sự gia tăng lãi suất đang bắt đầu hạn chế hoạt động chi tiêu.
Thị trường chứng khoán châu Á điều chỉnh sau tháng 11 khởi sắc
Các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên chiều 5/12, khi giới phân tích cảnh báo đà khởi sắc trong tháng 11 nhờ những đồn đoán về khả năng hạ lãi suất có thể đã đi quá xa, khiến giới giao dịch chùn bước.
Khép lại phiên này, chỉ số Nikkei 225 giảm 1,4% xuống 32.775,82 điểm. Trong khi đó, tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng ở Hong Kong giảm 1,91% xuống 16.327,86 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite để mất 1,7% xuống 2.972,30 điểm.
Sắc đỏ cũng được ghi nhận tại các thị trường Sydney Seoul, Singapore, Bangkok, Wellington, Đăì Bắc, Manila và Jakarta.
Các thị trường chứng khoán đã tăng mạnh trong tháng trước, khi số liệu cho thấy lạm phát đang chậm lại và thị trường lao động nới lỏng, cùng với đó là những bình luận có thiên hướng ủng hộ việc dừng tăng lãi suất từ các quan chức Fed. Các diễn biến này đã làm dấy lên những đồn đoán rằng Fed sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm tới.
Theo Bloomberg News, giới giao dịch dự đoán đến hết năm sau, Fed sẽ hạ lãi suất hơn 1 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng sự khởi sắc này có thể đã khiến giới đầu tư quá hưng phấn, và thị trường có thể sẽ điều chỉnh trong vài tuần tới, dù tâm lý chung vẫn tích cực trước thềm Năm Mới.