Đẩy mạnh thăm dò và khai thác than

Mặc dù vẫn đáp ứng đủ nhu cầu than trong nước và một phần cho xuất khẩu nhưng ngành than vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi mở rộng để phát triển sản xuất. Phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Biên (ảnh), Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) về vấn đề này.

Xin ông cho biết tình hình sản xuất cũng như tiêu thụ của ngành than nói chung và TKV nói riêng trong thời gian gần đây?

Nhờ sắp xếp lại tổ chức, đổi mới công nghệ, quản lý, sau 20 năm, sản lượng hàng năm của ngành than đã tăng gấp 7 lần, năng suất cũng tăng gấp 4 lần so với khi mới thành lập TKV, đáp ứng đủ nhu cầu than trong nước và dành một phần hợp lý để xuất khẩu. Từ năm 2011 đến nay, bình quân mỗi năm TKV sản xuất khoảng 40 triệu tấn than sạch.

Tuy nhiên, than xuất khẩu lại giảm dần qua từng năm. Năm 2010 xuất khẩu 18,7 triệu tấn, thì năm nay còn 6,5 triệu tấn; trong đó Tập đoàn xuất khoảng 6 triệu tấn. Kế hoạch năm 2015, Tập đoàn chỉ còn xuất khẩu 2 triệu tấn như quy hoạch và kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và cũng chỉ xuất khẩu những loại than trong nước chưa dùng đến.

Mặc dù vậy, TKV vẫn phải tính đến bài toán nhập khẩu than. Ông lý giải việc này như thế nào?

Việc sẽ phải nhập khẩu than là tất yếu và đã được tính toán kỹ trong Quy hoạch ngành điện cũng như Quy hoạch ngành than vì trong cơ cấu sản lượng ngành điện sau này sẽ sử dụng các nhà máy nhiệt điện chạy than trên một nửa. Năng lực sản xuất của ngành than dù có tăng được tối đa như hiện nay cũng như đầu tư phát triển các mỏ tiếp sau này thì cũng chỉ đáp ứng tối đa 2/3, còn lại vẫn phải nhập. Nhưng việc nhập khẩu hiện nay và trong vài ba năm tới sẽ có thuận lợi và giá sẽ không cao.

Dự kiến, năm 2015, ngành than vẫn đáp ứng đủ nhu cầu than trong nước, trước mắt chỉ nhập một tỷ lệ nhỏ (khoảng vài trăm ngàn tấn) sử dụng cho một số hộ vật liệu xây dựng, lò hơi trong các nhà máy công nghiệp... Từ năm 2016 trở đi thì mới phải nhập khẩu than cho sản xuất điện. Nếu các dự án điện đúng tiến độ thì sẽ nhập khoảng 3 - 5 triệu tấn và sẽ tăng dần qua các năm, còn nếu các dự án chậm thì sẽ ít hơn.

Tuy nhiên, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia không thể dựa nhiều vào nguồn than nhập khẩu mà phải dựa vững chắc vào nguồn lực sản xuất trong nước, ý kiến của ông thế nào?

Để đảm bảo phần than trong nước còn thiếu hụt, TKV đang tiếp tục đẩy mạnh việc thăm dò và khai thác Bể than Đông Bắc vùng Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và các mỏ than vùng nội địa nơi có điều kiện khai thác thuận lợi hơn, chất lượng than tốt và trữ lượng tài nguyên có thể tính đến 8 - 9 tỷ tấn ở độ sâu 1.000 - 1.200 m. TKV cũng đang triển khai nghiên cứu để thử nghiệm khai thác than vùng đồng bằng sông Hồng.

Tuy nhiên, do điều kiện khai thác ngày càng khó khăn, các mỏ than ngày càng sâu trong lòng đất, khí nhiều, nước nhiều, áp lực mỏ lớn, phải đầu tư nhiều. Hiện nay tại Quảng Ninh khai thác than hầm lò đã xuống đến - 300 m và - 500 m so với mặt nước biển, lộ thiên cũng phải bóc 11 m3 đất (nhiều nơi đã ở độ sâu - 180 - 200 m, vận chuyển đi 4 - 6 km) mới có được 1 tấn than so với trước kia là bóc 3,5 m3 đất.

Với mong muốn mở rộng phát triển sản xuất, cải thiện điều kiện cho công nhân hầm lò, thực tế hiện nay cũng đặt ra những thách thức gì cho ngành than, thưa ông?

Theo Quy hoạch Phát triển ngành Than đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mỗi năm phải đầu tư từ 18.000 - 19.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án sản xuất than đúng tiến độ. Thời gian qua nhiều dự án đã bị chậm do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là thủ tục đầu tư, cấp phép thăm dò khai thác bị kéo dài; Tiến độ lập và phê duyệt các dự án, xây dựng đơn giá đặc thù của ngành than khi xuống sâu bằng các cặp giếng đứng cũng mới nên còn chậm thực hiện, chưa kể tiến độ đào lò một số dự án cũng chậm.

Thứ hai, nguồn lực cho đầu tư bị hạn chế vì nhiều năm phải bán than thấp hơn giá thành cho một số hộ trong nước, đặc biệt từ năm 2012 do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế nên lợi nhuận thấp, vốn đầu tư phát triển giảm.

Thứ ba là thuế phí mấy năm gần đây tăng cao, so với năm 2007 thì số tuyệt đối các loại thuế phí gấp 10 lần và cao hơn nhiều nước trên thế giới. Ví dụ thuế tài nguyên hiện là 7 - 9%, cộng với phí môi trường, tiền cấp quyền khai thác, tiền sử dụng tài liệu... tổng thuế phí trong giá thành vào khoảng 13 - 14%. Riêng năm 2014, TKV đã phải nộp tăng thuế tài nguyên và tiền cấp quyền khai thác trên 2.000 tỷ đồng so với năm 2013.

Vậy TKV có kiến nghị gì để ngành than vượt qua khó khăn, có điều kiện cân đối tài chính, nâng cao hiệu quả?

Trước tiên tôi cho rằng Nhà nước cần điều chỉnh các loại thuế phí cho phù hợp cũng như có các giải pháp đồng bộ về cơ chế chính sách, huy động vốn, các thủ tục trong đầu tư xây dựng cơ bản để giải quyết các dự án cấp bách tăng sản lượng than theo Quy hoạch đã được duyệt cũng như tạo điều kiện để ngành than có nguồn để cải thiện điều kiện làm việc, thu nhập cho thợ lò.

Về phía Tập đoàn cũng đã chủ động triển khai Đề án nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả kinh doanh mà trọng tâm là Giải pháp cơ giới hóa trong khai thác than, đặc biệt là hầm lò và Giải pháp nâng cao năng suất, giảm giá thành, sẽ tập trung thực hiện trong năm 2015 và các năm tiếp theo để đáp ứng nhu cầu than ngày càng tăng.

Xin cảm ơn ông!

Mai Phương (Thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN