Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bước vào những ngày cao điểm thu hoạch lúa đông xuân vốn được xem là mùa vụ quan trọng nhất hàng năm. Vẫn là chuyện “khổ lắm nói mãi” của nhà nông, ngoài niềm vui hạt vàng nặng trĩu là oằn nỗi lo giá cả không như mong đợi.
Được mùa, lo giá thấp
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), diện tích xuống giống vụ đông xuân 2011 - 2012 tại các tỉnh ĐBSCL đạt trên 1,5 triệu ha, dự kiến sản lượng lúa hàng hóa hơn 10,3 triệu tấn. Đến hết tháng 2, toàn vùng đã thu hoạch hơn 400.000 ha lúa và sẽ tăng dần ở tháng 3 với khoảng 855.000 ha. Sơ bộ kết quả thu hoạch lúa ở một số địa phương cho thấy, năng suất lúa đạt cao. Cụ thể, tại tỉnh Vĩnh Long kết quả thu hoạch gần 9.000 ha lúa năng suất trung bình từ 7 - 8 tấn; tỉnh Cần Thơ, năng suất lúa thơm Jasmine đạt gần 9 tấn/ha… “Năm nay lũ rút chậm và mưa nhiều ở thời điểm đầu vụ gây khó khăn trong khâu xuống giống, nhưng nhờ có lũ đồng ruộng có nhiều phù sa giúp nhà nông chúng tôi giảm chi phí, tăng sản lượng. Lúa ở ruộng nhà tôi đạt năng suất gần 7 tấn/ha, còn những cánh đồng khác của các nông dân sản xuất giỏi còn đạt hơn 8 tấn/ha”, anh Hùng ở huyện Thoại Sơn (An Giang) cho hay.
Thu hoạch lúa bằng cơ giới ở HTX nông nghiệp Mỹ Thành, Cai Lậy, Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí - TTXVN |
Trái ngược với không khí náo nức được mùa của nhà nông là tinh thần uể oải trong thu mua lúa của nhiều doanh nghiệp. Khảo sát tại các tỉnh ĐBSCL cho thấy, sức mua yếu đang đẩy giá lúa tại đây rớt khá mạnh. Cụ thể, lúa tươi phẩm cấp thấp thời điểm đầu tháng 2 có giá khoảng 5.000 đồng/kg, đến ngày 25/2 rớt xuống còn hơn 4.300 đồng/kg; lúa khô còn gần mức bảo hiểm mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) công bố là 5.000 đồng/kg; lúa hạt dài khô từ 5.600 - 5.800 đồng/kg; giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện ở mức 7.200 - 7.500 đồng/kg… “Mức giá thu mua lúa đang xuống thấp nhất trong vòng 3 năm qua, ngoài việc các doanh nghiệp không chịu thu mua chờ động thái từ thị trường, còn do khan hiếm hợp đồng thương mại xuất khẩu mới. Thị trường xuất khẩu gạo đang rơi vào những ngày buồn tẻ khi khách hàng chỉ hỏi thông tin nhiều hơn quyết định mua”, ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký VFA cho biết.
Mua tạm trữ tối đa 1 triệu tấn quy gạo
Theo số liệu thống kê của VFA, tổng lượng gạo xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2012 ước chỉ đạt 756.000 tấn với kim ngạch 437 triệu USD, giảm mạnh gần 27% về lượng và 16% về giá trị so với cùng kỳ. Inđônêxia vẫn đứng vị trí hàng đầu về nhập khẩu gạo của Việt Nam nhưng khi tổng lượng nhập khẩu cũng chỉ bằng 2/3 so với cùng thời điểm năm 2011. Hiện các doanh nghiệp vẫn còn hợp đồng xuất khẩu khoảng 1,2 triệu tấn gạo, nhưng hầu hết là hợp đồng tập trung từ cuối năm 2011 chuyển sang và thời gian giao hàng kéo dài tới tháng 9/ 2012. Điều VFA đau đầu là viễn cảnh có thêm các hợp đồng xuất khẩu gạo trong 6 tháng đầu năm ngày càng trở nên mờ mịt. Nhiều doanh nghiệp đang chờ tin vui thị trường sẽ sôi động trở lại sau khi các nước nhập khẩu lớn như Inđônêxia, Malaixia... mở cửa trở lại vào các tháng cuối năm.
Để đẩy mạnh việc tiêu thụ lúa gạo vụ đông xuân, ngày 9/3, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định mua tạm trữ tối đa 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân năm 2011 - 2012; thời hạn mua tạm trữ từ ngày 15/3/2012 đến hết ngày 30/4/2012. Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức việc phân giao cho các thương nhân mua số thóc, gạo tạm trữ nêu trên. Các thương nhân thực hiện mua thóc, gạo tạm trữ theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh. Ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua thóc, gạo tạm trữ; thời gian tạm trữ được hỗ trợ lãi suất tối đa là 3 tháng, từ ngày 15/3 - 15/6/2012. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn cụ thể việc thực hiện hỗ trợ lãi suất theo quy định; bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước để thực hiện việc hỗ trợ lãi suất nêu trên. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ định một số ngân hàng thương mại thực hiện việc cho vay mua thóc, gạo tạm trữ. Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có sản xuất lúa vụ đông xuân và Hiệp hội Lương thực Việt Nam giám sát việc thực hiện mua thóc, gạo tạm trữ theo quy định.
Gạo của Việt Nam, đặc biệt là loại phẩm cấp thấp, rất khó cạnh tranh về giá so với đối thủ Ấn Độ và Pakixtan. Do đó, tại cuộc họp tìm lối ra cho xuất khẩu nông sản được tổ chức mới đây ở TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, định hướng của ngành nông nghiệp là thời gian tới sẽ tăng diện tích gieo sạ gạo cấp cao phục vụ cho xuất khẩu và hạn chế gạo cấp thấp. “Đây là chủ trương rất lâu của Bộ nhưng công tác triển khai vẫn hết sức chậm chạp. Tuy nhiên đối mặt với những khó khăn về thị trường như năm nay, tôi nghĩ người nông dân và bản thân doanh nghiệp đã ý thức được sự sống còn của vấn đề”, ông Phát nói thêm.
Lê Nghĩa