Sáng 5/9, tại thành phố Phan Thiết (Bình Thuận), Cục Thông tin cơ sở - Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Bình Thuận tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền nhằm ngăn chặn, giảm thiểu, loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định cho cán bộ làm công tác thông tin tuyên truyền, các đài truyền thanh - truyền hình… trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, chống khai thác IUU (khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của Chính phủ, các cấp lãnh đạo, bộ, ngành Trung ương, địa phương và ngư dân.
Đây là điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục nâng cao nhận thức, huy động nguồn lực xây dựng một nghề cá có trách nhiệm, hiện đại, hội nhập quốc tế trong tình hình mới. Việc triển khai chống khai thác IUU đã mang lại kết quả như: Công tác tuyên truyền, phổ biến về chống khai thác IUU đã được quan tâm thực hiện; tình hình tàu cá vi phạm vùng biển của các nước quốc đảo Thái Bình Dương hầu như chấm dứt; công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển có tiến bộ...
Bà Lê Hương Giang, Phó Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở cho biết: Đánh bắt, khai thác hải sản trên các vùng biển nước ta là một nghề truyền thống lâu đời của ngư dân các tỉnh ven biển. Việc khai thác hải sản được kiểm soát hiệu quả sẽ góp phần duy trì nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái thủy sinh, đảm bảo nghề cá phát triển hiệu quả, an toàn, bền vững, đồng thời nâng cao đời sống người dân, giữ vững an ninh quốc gia trên các vùng biển.
Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác, Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ nay đến 31/12/2018, chúng ta cần tập trung một số giải pháp để khắc phục “Thẻ vàng” đối với Việt Nam như: Thiết lập cơ chế chỉ đạo điều hành kịp thời, thông suốt, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương về phòng chống khai thác IUU và triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC (Hội đồng Liên minh châu Âu) về chống khai thác IUU; xác định, cập nhật thường xuyên danh sách tàu cá được xác định là có khả năng tham gia vào hoạt động khai thác bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài để áp dụng biện pháp bổ sung nhằm kiểm soát chặt chẽ nhóm tàu này.
Đối với việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, thu hồi tất cả các thiết bị Movimar đã được lắp đặt trên tàu cá có chiều dài nhỏ hơn 24m và lắp đặt các thiết bị đã được thu hồi đó cho tàu cá có chiều dài 24m trở lên trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, yêu cầu chủ tàu đã được lắp đặt thiết bị Movimar mở máy 24/24h khi đi khai thác hải sản trên các vùng biển; xử lý nghiêm đối với tàu cá không mở máy theo quy định của pháp luật.
Theo bà Lê Hương Giang, để góp phần triển khai các giải pháp cấp bách nhằm sớm tháo gỡ cảnh báo của Ủy ban châu Âu về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định, giữ uy tín, khẳng định vị thế của thủy sản Việt Nam trên trường quốc tế, chúng ta cần tăng cường tuyên truyền, vận động ngư dân chấm dứt tình trạng tàu cá và khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Ngoài ra, vận động các tầng lớp nhân dân, trong đó ưu tiên tập trung tuyên truyền tới chủ tàu, thuyền trưởng, ngư dân, chủ cơ sở dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản tại địa phương nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật Việt Nam về thủy sản và quy định của pháp luật quốc tế.