Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã trao đối với báo chí xung quanh những bất cập về sản phẩm nông sản như: Chất lượng chưa cao, không đồng đều, tỷ lệ sản phẩm qua chế biến thấp, khó tăng giá trị gia tăng và phân phối tiêu thụ hạn chế.
Thưa Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, năm 2018 ngành Nông nghiệp có thành tích nổi bật trong xuất khẩu nông sản; tuy nhiên, cũng lại còn không ít tồn tại. Vậy năm 2019, ngành sẽ thực hiện những giải pháp nào để khắc phục?
Ngành nông nghiệp đã nhận thức rõ điều này và đang cùng các bộ, các ngành liên quan, các địa phương tích cực tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết thành chuỗi giá trị, tăng cường các khâu từ dự báo thị trường, liên kết sản xuất, chế biến, phân phối lưu thông.
Để hạn chế bất cập, ngành Nông nghiệp cần có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp trong chuỗi liên kết, nhằm giúp nông dân sản xuất, chế biến tập trung, quy mô lớn theo yêu cầu của thị trường.
Thời gian qua, công nghiệp chế biến được đầu tư theo hướng phát triển chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao để gia tăng giá trị và nâng cao năng lực cạnh tranh. Giai đoạn năm 2017 - 2018, có khoảng 17 nhà máy chế biến lớn được khởi công và khánh thành với tổng mức đầu tư khoảng 10.040 tỷ đồng, có những doanh nghiệp đầu tư vốn lớn, công nghệ cao ngang tầm khu vực và quốc tế.
Đồng thời, Bộ đã chủ trì hoặc phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành khác tham mưu, kiến nghị với Chính phủ sửa đổi hàng loạt các cơ chế, chính sách ưu đãi. Các chính sách này được kỳ vọng sẽ giúp ngành Nông nghiệp khắc phục được những hạn chế, bất cập trên, vừa có thêm động lực và “cú hích” để ngành nông nghiệp tăng trưởng, phát triển trong thời gian tới.
Mục tiêu cụ thể của ngành trong năm 2019 là gì thưa Bộ trưởng?
Mục tiêu chủ yếu của ngành Nông nghiệp năm 2019 là đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 2,9 - 3,1%, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt khoảng 42 - 43 tỷ USD.
Để hoàn thành mục tiêu này, ngành Nông nghiệp sẽ phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu từng ngành hàng và xây dựng nông thôn mới hiệu quả. Lấy ví dụ con tôm, phụ phẩm là vỏ tôm, nếu được đầu tư chế biến và tìm kiếm đầu ra tốt thì có thể làm nguyên liệu đầu vào của mỹ phẩm, dược liệu; cá tra, phụ phẩm của cá tra có thể dùng làm dầu cá, colagen; trái cây không chỉ xuất khẩu tươi mà còn chế biến nước ép...
Hay thị trường thương mại trái cây toàn cầu hiện khoảng 240 tỷ USD/năm, nước ép, nước đóng hộp khoảng 270 tỷ USD/năm, trong khi đó chúng ta mới xuất khẩu chiếm khoảng 1,5% tổng giá trị của mặt hàng này trên thế giới. Do đó, còn nhiều dư địa để phát triển mặt hàng này. Mặt hàng gạo cũng sẽ tập trung vào “chất” chứ không phải “lượng” như trước đây...
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cần phải đẩy mạnh việc xây dựng quảng bá thương hiệu từng loại nông sản hàng hóa. Mục tiêu tổng quát của tái cơ cấu ngành giai đoạn tới là xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, sinh thái và bảo đảm an ninh quốc phòng.
Việt Nam đã tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và chuẩn bị ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Các hiệp định này sẽ mang lại những gì cho ngành Nông nghiệp, thưa Bộ trưởng?
Phải khẳng định rằng, hai Hiệp định này đem đến cơ hội mở rộng thị trường cho xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như: Thủy sản, lâm sản và đồ gỗ, rau quả và trái cây, gạo, cà phê, cao su...
Với lĩnh vực chăn nuôi, hiện Việt Nam đã xuất khẩu được sản phẩm thịt gà qua chế biến vào thị trường Nhật Bản. Nếu Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chọn những sản phẩm riêng biệt thì có thể cạnh tranh được, thậm chí có thể xuất khẩu được ra các thị trường vốn khó tính khác như EU, Hoa Kỳ…
Trước đây, thế giới vẫn cho rằng, Việt Nam không có khả năng sản xuất sữa và chủ yếu phụ thuộc vào nguồn sữa nhập khẩu. Đến nay, với sự đầu tư bài bản, đúng hướng, ứng dụng khoa học công nghệ tốt của Tập đoàn TH True Milk, Vinamilk… sản xuất sữa trong nước đã đáp ứng được yêu cầu của thị trường nội địa và tiến tới xuất khẩu trong thời gian tới.
Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn đối với xuất khẩu nông sản Việt Nam là các nước tham gia có thể giảm thuế suất, nhưng nâng cao các hàng rào phi thuế quan và có sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn; đồng thời sản phẩm chăn nuôi sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn về chất lượng, giá thành. Do đó, ngành Nông nghiệp phải nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng để từ đó sản xuất ra các mặt hàng nông sản phù hợp, có giá cả cạnh tranh và đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm
Xin cảm ơn Bộ trưởng!