Để doanh nghiệp nhỏ và vừa vay được vốn - Bài cuối

Tiếp cận vốn của ngân hàng thì quá khó khăn, tiếp cận vốn từ các quỹ như quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp hay quỹ phát triển doanh nghiệp ra đời trước đây cũng không khả thi.

TẠO ĐIỀU KIỆN CHO DOANH NGHIỆP VAY VỐN 

Theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (DNNVV), cả ngân hàng và các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp cần phải thay đổi thứ tự ưu tiên điều kiện thẩm định để doanh nghiệp vay được vốn.

Thay đổi thứ tự ưu tiên

Thực tế hiện nay là DNNVV thì cho rằng các thủ tục để có thể vay vốn ngân hàng rất khắt khe và ngân hàng không muốn cho vay tín chấp. Phía ngân hàng thì khẳng định, thủ tục cho vay đơn giản, thông thoáng. Tìm câu trả lời cho điểm mâu thuẫn này, phóng viên báo Tin Tức đã tiếp cận với nhiều ngân hàng thương mại cổ phần, sự thật là ngân hàng nào cũng có các chương trình dành riêng cho các DNNVV vay. Bên cạnh các gói vay phải có tài sản thế chấp, nhiều ngân hàng như Sacombank, VPbank, TP bank, HDbank… đều đưa ra các chương trình cho vay tín chấp. Ngân hàng HDbank phối hợp với chương trình JICA và JBIC (Nhật Bản) tài trợ vốn đặc biệt dành cho DNNVV đầu tư trung dài hạn để mua sắm máy móc thiết bị; phương tiện vận tải, đầu tư xây dựng nhà xưởng... Tuy nhiên, trao đổi với ông Phạm Thanh Tuấn, Trưởng Phòng quan hệ khách hàng doanh nghiệp (HDbank) thì được biết, để vay được vốn chương trình JICA và JBIC, doanh nghiệp vẫn phải có tài sản thế chấp. Nhưng doanh nghiệp thế chấp bằng chính máy móc, thiết bị thì giá trị thế chấp rất thấp. Tại Sacombank, VPbank… có gói cho vay tín chấp, vay dựa trên giá trị hợp đồng cung cấp hàng hóa, nhưng chỉ áp dụng cho khách hàng VIP và khách “ruột” của ngân hàng.

Khách hàng doanh nghiệp làm thủ tục vay vốn tại VietinBank Chi nhánh Đống Đa (Hà Nội). Ảnh: Trần Việt - TTXVN

Từ thực tế trên, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV cho rằng, để vốn đến được với doanh nghiệp, ngành ngân hàng có thể thay đổi tư duy, thay vì ưu tiên số một là tài sản thế chấp, thì nên ưu tiên đánh giá dự án của doanh nghiệp có khả thi hay không. Nếu khả thi thì cho vay vốn và theo sát doanh nghiệp, đồng hành giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng cho vay vốn được thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay, tín chấp dự án, hợp đồng xuất khẩu... đánh giá tài sản thế chấp bằng dây chuyền, công nghệ mới của doanh nghiệp quá thấp, khiến doanh nghiệp không thể cân đối được vốn vay. “Các tổ chức tín dụng cũng cần xác định rõ, cấp vốn cho DNNVV về lâu dài liên quan đến sự tồn tại của ngân hàng. Do đó, ngân hàng cần phải củng cố đội ngũ cán bộ tư vấn đủ tâm, tầm để đảm bảo khả năng thẩm định được tiềm năng, tính hiệu quả trong các dự án của doanh nghiệp”, ông Nam nói.

Quỹ hỗ trợ DN cần thông thoáng

Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS Nguyễn Chí Hiếu cho rằng, nhìn từ góc độ ngân hàng, giải pháp để DNNVV có thể tiếp cận được vốn là doanh nghiệp phải tự vượt qua điểm hòa vốn, có báo cáo tài chính minh bạch, từ đó ngân hàng mới thẩm định được khả năng quản trị tài chính, thu nhập để cho vay theo hình thức tín chấp. Nếu DNNVV không thể vượt qua được thử thách này, việc tiếp cận vốn ngân hàng là không thể, bởi ngân hàng chẳng có cơ sở nào để thẩm định được nền tảng, khả năng hoàn trả vốn vay của doanh nghiệp.

“Thứ hai là với thực trạng của DNNVV trong bối cảnh hiện nay, Quốc hội nên đồng ý cho Chính phủ dành một khoản vốn ngân sách nhất định hàng năm để bổ sung vào quỹ hỗ trợ DNNVV”, TS Hiếu đề xuất. Quỹ hỗ trợ này phải có cơ chế thông thoáng để DNNVV dễ tiếp cận. Đồng thời, Chính phủ cũng cần xác định đây là quỹ giúp DNNVV khởi nghiệp. Đã là quỹ hỗ trợ khởi nghiệp thì phải xác định mức độ rủi ro nhất định. “Sở dĩ trước đây Chính phủ cũng ban hành chính sách thành lập các quỹ bảo lãnh DNNVV, quỹ phát triển doanh nghiệp… nhưng cơ chế giải ngân quỹ không phù hợp nên mới không hỗ trợ được doanh nghiệp. Nếu bây giờ có quỹ mới thì cách quản lý, cơ chế, điều kiện giải ngân phải khác đi, nghĩa là phải đơn giản, phù hợp hơn với điều kiện của DNNVV”, TS Hiếu nói.

Đồng tình quan điểm quỹ hỗ trợ vốn cho DNNVV mới, cần phải có cơ chế quản lý thông thoáng, phù hợp với thực trạng của doanh nghiệp hiện nay, ông Tô Hoài Nam cho rằng, những điều kiện mà quỹ hỗ trợ đưa ra phải phù hợp với thực tế và cần lắng nghe doanh nghiệp chứ không thể một phía. Thực tế cho thấy, hai hình thức quỹ bảo lãnh và hỗ trợ vốn cho DNNVV trước đây, các nhà quản lý đưa ra điều kiện khắt khe không cần thiết. Ví như như trong việc xây dựng quy trình thẩm định hồ sơ vay vốn từ quỹ bảo lãnh tín dụng, doanh nghiệp phải thực hiện thẩm định hai lần làm tốn nhiều thời gian, chi phí. Mặt khác, mỗi địa phương lại tự xây dựng một qui trình cấp bảo lãnh tín dụng riêng nên các doanh nghiệp lúng túng. 

Hoặc trong điều kiện vay vốn, việc điều chỉnh tăng, giảm lãi suất do Hội đồng quản lý Quỹ quyết định trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính. Lãi suất nợ quá hạn đối với mỗi khoản giải ngân bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn đối với từng khoản giải ngân đó. Ngoài ra, quỹ phải tuân thủ giới hạn quy định về mức vốn, thời hạn, lãi suất cho vay… “Những quy định không tạo thuận lợi cho doanh nghiệp như thế cần được rút kinh nghiệm ở việc triển khai quỹ mới. Ví như Quỹ phát triển DNNVV của Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa ra mắt với số vốn 2.000 tỉ đồng. Nếu các cơ chế giải ngân vẫn không phù hợp, quỹ mới cũng khó giải ngân như hai quỹ đã ra đời trước đây, DNNVV chẳng được hưởng lợi gì”, ông Nam nói.
Xuân Hương
Để doanh nghiệp nhỏ và vừa vay được vốn - Bài 1
Để doanh nghiệp nhỏ và vừa vay được vốn - Bài 1

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng hiện nay, không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước đã tìm được các cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, thiếu vốn và “khát vốn” để mở rộng sản xuất, kinh doanh là tình trạng phổ biến của doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN