Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, các doanh nghiệp cần đồng hành cùng ngành bảo vệ một thị trường sản xuất bền vững, phát triển bền vững ngành chăn nuôi. Bên cạnh đó, khi dịch bệnh xảy ra, nếu duy trì cao quá sẽ rất nguy hại đến ngành, người chăn nuôi sẽ tái đàn với cả những con giống không chất lượng. Bởi vậy, các doanh nghiệp và người tiêu dùng cần gặp nhau ở một điểm đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên.
“Bộ sẽ biểu dương những đơn vị làm tốt nhưng cũng sẽ có biện pháp, giải pháp mạnh khác để xử lý”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, các trang trại, gia trại có điều kiện đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học được tái đàn để cung cấp các sản phẩm thịt lợn cho thị trường và bình ổn giá.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, ngành nông nghiệp cũng như các địa phương đang tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi, bảo đảm tránh tình trạng chủ quan, lơ là để dịch bệnh tái phát.
Cục Thú y tiếp tục tổ chức nghiên cứu các giải pháp tổng thể phòng, chống dịch bệnh; hợp tác và tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế và các nước để phòng, chống và nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, Cục hướng dẫn, giám sát việc nuôi tái đàn lợn theo nguyên tắc áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp cách ly, vệ sinh, sát trùng và các biện pháp an toàn sinh học dưới sự giám sát của chính quyền cơ sở và các cơ quan chuyên môn.
Theo Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, cả nước đã tiêu hủy 18.246 con lợn do bệnh dịch tả lợn châu Phi. Dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, hầu hết các địa phương với trên 95% số xã có dịch đã qua 30 ngày chưa tái phát. Đây là điều kiện cần thiết để tổ chức nuôi tái đàn lợn.
Theo báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y của các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, tính đến ngày 5/2, tổng đàn lợn cả nước thời điểm hiện tại là trên 24 triệu con, trong đó có khoảng 2,7 triệu con lợn nái.
Tuy nhiên, thời gian phục hồi đàn lợn cần khoảng 5-7 tháng. Do đó, theo báo cáo của các địa phương và các doanh nghiệp chăn nuôi, từ tháng 1/2020, thị trường đã có sản phẩm của lợn nuôi tái đàn. Dự báo sản phẩm của lợn nuôi tái đàn sẽ tăng cao từ tháng 2 và nguồn cung thịt lợn cho năm 2020 đạt khoảng 4 triệu tấn, trong điều kiện kiểm soát tốt được dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi.