Chủ trương thu mua tạm trữ gạo được thực hiện mỗi năm 2 lần, vào các vụ đông xuân và hè thu, lâu nay có tác động tích cực là giúp giá lúa gạo trên thị trường trong nước không bị sụt giảm khi nguồn cung tăng, đảm bảo cho người nông dân có mức lãi nhất định.
Tuy nhiên, những quy định hiện nay đang áp dụng vẫn còn một số bất cập. Quy chế mua tạm trữ lúa, gạo đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) xây dựng được kỳ vọng sẽ bảo đảm lợi nhuận đến trực tiếp với người trồng lúa.
Doanh nghiệp và nông dân cùng tạm trữ lúa gạo
Quy chế mua tạm trữ lúa, gạo đang được Bộ NN & PTNT xây dựng với mục đích hỗ trợ cả nông dân và doanh nghiệp được mua tạm trữ lúa gạo trong vụ đông xuân và hè thu, khắc phục nhiều bất cập trong chủ trương thu mua tạm trữ lâu nay.
Hỗ trợ tận tay nông dân
Nhiều năm nay, khi lượng lúa hàng hóa tại các tỉnh, thành phố ở đồng bằng sông Cửu Long tăng cao vào các tháng thu hoạch cao điểm của hai vụ đông xuân và hè thu thì giá lúa, gạo lại giảm xuống, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của nông dân trồng lúa. Trước thực tế đó, vào những thời điểm này, trên cơ sở đề nghị của các bộ, ngành liên quan, Chính phủ đã quyết định giao Hiệp hội Lương thực Việt Nam thu mua tạm trữ từ 500.000 đến 1 triệu tấn quy gạo. Theo một đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NN & PTNT), việc thu mua này chủ yếu qua hệ thống thương lái, nông dân hầu như không được bán trực tiếp cho doanh nghiệp nên lợi nhuận không về tay nông dân.
Nhập kho gạo thu mua của nông dân tại Nhà máy xay xát chế biến Việt - Nguyên (Tiền Giang) để phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN |
Khác với chủ trương này, theo quy chế mua tạm trữ lúa, gạo đang được Bộ NN & PTNT xây dựng, tới đây, việc hỗ trợ thu mua tạm trữ lúa, gạo sẽ được áp dụng với cả người trồng lúa, thay vì chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp kinh doanh lương thực như chính sách hiện hành.
Cụ thể, đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ là các hộ nông dân trồng lúa tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các doanh nghiệp kinh doanh lương thực có hợp đồng mua lúa, gạo trực tiếp với nông dân. Đối tượng thực hiện mua tạm trữ là hộ nông dân, hợp tác xã, các tổ hợp tác, các doanh nghiệp sản xuất lúa như các nông trường, các doanh nghiệp liên kết với nông dân xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Đối với hộ nông dân, được tạm trữ định kỳ thường xuyên trong vụ đông xuân vào các tháng 2, 3, 4 và vụ hè thu vào tháng 7, 8, 9. Đối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lương thực mua tạm trữ khi giá trên thị trường xuống thấp dưới mức có thể bảo đảm người trồng lúa lãi 30% so với giá thành, hoặc khi tiêu thụ khó khăn, hàng hóa tồn đọng lớn.
Hộ nông dân và doanh nghiệp được vay vốn căn cứ theo số lượng lúa tạm trữ và đơn giá được xác định theo giá định hướng do Bộ Tài chính thông báo theo từng vụ thu hoạch của từng tỉnh. Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% lãi suất vay ngân hàng cho hộ nông dân, doanh nghiệp tạm trữ lúa, gạo trong thời gian tối đa là 3 tháng. Thời gian hưởng hỗ trợ lãi suất sẽ tính từ ngày tạm trữ đến ngày bán lúa, gạo căn cứ theo chứng từ bán có xác nhận của cơ quan, đơn vị, cá nhân đã cấp phiếu tạm trữ.
Cơ chế mới về tạm trữ giúp nông dân trong thời gian thu hoạch rộ, giá thấp có thể chưa cần phải bán vội, vẫn được vay tiền để sản xuất vụ sau với lãi suất ưu đãi. Nhờ vậy, quy định mới đã khắc phục được hạn chế lâu nay, theo như ý kiến của ông Đỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở NN & PTNT tỉnh Kiên Giang: “Hiện nay, Nhà nước mới chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp thu mua tạm trữ lúa gạo của dân chứ chính sách này chưa hỗ trợ được cho dân khi người dân chưa muốn bán, chỉ muốn gửi kho để chờ giá lên”.
Giao quyền chủ động cho địa phương
Kiên Giang là một trong những tỉnh có sản lượng lúa hàng hóa đứng đầu cả nước hiện nay. Năm 2011, sản lượng lúa cả năm của tỉnh này đạt 3,9 triệu tấn và năm 2012, tổng sản lượng là 4,2 triệu tấn. Đánh giá về chủ trương thu mua tạm trữ lâu nay, ông Đỗ Minh Nhựt cho rằng, nhìn chung, chính sách đã có tác dụng tốt là giúp giá bán lúa trên thị trường không bị xuống thấp. Tuy nhiên, một hạn chế lâu nay là việc mua tạm trữ hoàn toàn do Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân bổ cho các doanh nghiệp và không có sự phân biệt giữa các tỉnh có sản lượng cao và sản lượng thấp. Vì thế, ông Nhựt đề xuất: “Cần phải xem lại việc này. Tốt nhất là giao cho các tỉnh điều phối để chủ động hơn”.
Cũng theo lãnh đạo Sở NN & PTNT Kiên Giang, thời điểm thu mua tạm trữ hiện nay không khớp với thời vụ thu hoạch của tỉnh gây thiệt thòi cho nông dân. Trong một hội nghị bàn về góp ý cho việc xây dựng Quy chế thu mua tạm trữ, ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chỉ ra một điểm không hợp lý là thời gian thu hoạch lúa của các địa phương khác nhau nhưng thời gian triển khai tạm trữ lại như nhau.
Bằng việc giao quyền chủ động cho các tỉnh trong việc chọn thời điểm cho phép tạm trữ, Quy chế thu mua tạm trữ lúa gạo đang được xây dựng sẽ khắc phục được những hạn chế đó. Cụ thể, quy định rõ các tỉnh có trách nhiệm xác định giá thành sản xuất lúa ngay từ đầu vụ thu hoạch, cung cấp để Bộ Tài chính xây dựng và công bố giá định hướng lúa gạo cho từng tỉnh. Bộ NN & PTNT chủ trì việc thu mua trên cơ sở đề xuất của các tỉnh, từ đó phối hợp với các bộ, ngành xác định khối lượng tạm trữ. Với việc giao quyền cho các địa phương, Sở NN & PTNT chủ trì phối hợp Sở Công Thương và các ngân hàng thương mại cho vay tạm trữ kiểm tra thường xuyên tình hình thực hiện tạm trữ của hộ nông dân và doanh nghiệp.