Mấy tuần qua, tại nhiều nơi, giá lợn xuất chuồng đã tăng nhẹ nhờ tác động tích cực từ việc xuất khẩu lợn qua đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Bên cạnh tâm lý vui mừng của người chăn nuôi, nhiều ý kiến cũng cho rằng phải cảnh giác, tránh tăng đàn theo phong trào và cuối cùng nông dân phải gánh chịu thiệt hại.
Thị trường chuyển biến tích cực
Tại Đồng Nai, vừa qua giá thịt lợn hơi tăng lên mức 39.000- 41.000 đồng/kg. Nguyên nhân, do thương lái tập trung mua gom để đưa ra Bắc xuất theo đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc. Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai khẳng định: “Nhờ giá lợn hơi xuất chuồng tại các trang trại tăng nên nông dân rất phấn khởi”.
Người chăn nuôi đang mừng vì giá lợn xuất chuồng tăng nhẹ. Trong ảnh: Mô hình trang trại chăn nuôi lợn của anh Lành Văn Hữu, dân tộc Tày (huyện Võ Nhai, Thái Nguyên). Trần Việt - TTXVN |
Theo Chi cục Thú y Đồng Nai, số lượng lợn xuất bán cho thương lái ở các tỉnh phía Bắc trong tháng 7 cao hơn hẳn so với trước. Cụ thể, tháng 1/2013 có hơn 15.700 con lợn được kiểm dịch và xuất bán đi các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh và Hà Nội. Tuy nhiên từ tháng 2 và tháng 3, số lượng lợn tiêu thụ giảm hẳn, chỉ còn khoảng 12.000 con/tháng. Tháng 4, tháng 5 và tháng 6 số lượng tiêu thụ tăng lên mức 13.000 - 14.000 con/tháng. Nhưng riêng 3 tuần đầu tháng 7 đã có trên 15.700 con được xuất bán.
Không riêng Đồng Nai, một số tỉnh thành khác, giá lợn hơi xuất chuồng trên thị trường những ngày qua cũng có những chuyển biến tích cực. Theo người chăn nuôi ở Hà Nội, giá thịt lợn xuất chuồng trong vài tuần nay đã nhích tăng nhẹ. Ông Trịnh Văn Hùng, chủ trang trại nuôi lợn quy mô trên 1.000 con (thôn Xuân Sơn, xã Trung Giã , huyện Sóc Sơn) cho biết gần 1 tuần nay, giá thịt lợn hơi xuất chuồng đang bán được ở mức 46.000 đồng/kg trong khi 3 tuần trước chỉ ngót nghét 40.000 đồng/kg. Theo ông Hùng, tuy giá cám không giảm nhưng nông dân rất mừng vì giá lợn xuất chuồng đã tăng liên tục.
“Cần phải tổ chức sản xuất chặt chẽ, có định hướng về thị trường để người chăn nuôi không chạy theo phong trào”, ông Nguyễn Đăng Vang, chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam. |
Theo tính toán, chi phí người chăn nuôi bỏ ra khoảng từ 40.000 - 42.000 đồng/kg. Nếu giá lợn bán ra trên mức này, nông dân mới có lãi. Nhưng thực tế trong khoảng hơn 1 năm nay, người chăn nuôi đã phải bán lợn tại chuồng với giá từ 36.000 - .000 đồng/kg, thậm chí có lúc 33.000 - 34.000 đồng/kg. Trong khi đó, các chi phí đầu vào như giá cám, giá con giống, chi phí phòng dịch bệnh... đều tăng lên khiến người chăn nuôi bị thua lỗ nặng trong thời gian khá dài. Chính vì thế, “hiện tượng thương lái thu mua lợn với giá như hiện nay là một điều đáng mừng, giúp giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đồng Nai Phạm Minh Đạo khẳng định.
Cảnh giác để phòng rủi ro
Việc giá lợn xuất chuồng tăng lên là một tín hiệu tốt đối với người nông dân. Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), việc xuất khẩu lợn qua đường tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc là hiện tượng bình thường và mức giá hiện tại tác động tích cực tới thị trường. Ông Nguyễn Trí Công cũng cho biết, nhiều năm qua, xuất khẩu lợn tiểu ngạch sang Trung Quốc vẫn diễn ra nhưng số lượng không nhiều. Đặc biệt, tại thời điểm này, giá lợn tại Trung Quốc đang cao hơn Việt Nam nên việc xuất khẩu tiểu ngạch tăng hơn trước là dễ hiểu. Giá lợn tại Trung Quốc đang ở mức 48.000 đồng/kg. Việc thương lái thu mua lợn trên 100 kg/con trở lên cũng không có gì bất thường vì để giảm chi phí tính theo đầu con. Cụ thể, từ trước đến nay, tất cả các chi phí cho những dịch vụ kiểm dịch, vận chuyển, giết mổ... đều được tính theo đầu con. Do đó, việc thu mua lợn có khối lượng lớn nhằm giảm tối đa các chi phí này.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cần thận trọng và cảnh giác với việc gom từ thị trường Trung Quốc để tránh rơi vào những trường hợp rủi ro như đã có tiền lệ. Theo TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội chăn nuôi Việt Nam, việc thu mua quá nhiều so với mức độ bình thường có thể gây phản tác dụng. Trước đây, đã từng có hiện tượng khi thị trường Trung Quốc nhập khẩu lợn tiểu ngạch giá cao thì người dân đua nhau tăng đàn. Tuy nhiên, sau một thời gian, phía bạn ngừng nhập thì nông dân lại rơi vào tình cảnh bán không người mua và bị các thương lái ép giá.
Bên cạnh đó, hàng loạt nông sản cũng từng “nếm” nhiều bài học tương tự. Trước đây, có thời điểm, dưa hấu, khoai lang, dứa... của một số tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long sau một thời gian được thương lái Trung Quốc thu mua với giá cao, nông dân thấy lợi rồi đổ xô đi trồng, nhưng khi thị trường Trung Quốc giảm lượng thu mua hoặc đột ngột tuyên bố ngừng thu mua nông sản thì nông sản lại bị rớt giá thê thảm, nhiều hộ nông dân khốn đốn.
Bài học do nuôi trồng, sản xuất không đúng quy hoạch, chỉ chạy theo nhu cầu tức thời của thị trường Trung Quốc vốn thất thường không phải mới với nông dân trong nước. Để việc xuất khẩu lợn hiện nay tránh được rủi ro tương tự, hạn chế thiệt hại đối với người chăn nuôi thì việc hoạch định chiến lược sản xuất phù hợp rất quan trọng. “Cần phải tổ chức sản xuất chặt chẽ, để người chăn nuôi không chạy theo phong trào”, ông Nguyễn Đăng Vang nhấn mạnh. Trong những trường hợp này, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần phải sâu sát với tình hình sản xuất của người dân, từ đó có định hướng, khuyến nghị cho nông dân khi đưa ra kế hoạch sản xuất. Nhất thiết phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành, địa phương để nắm thị trường, nhu cầu, giá cả của thị trường Trung Quốc từ đó cung cấp thông tin cho ngành chăn nuôi tổ chức sản xuất phù hợp.
Sỹ Tuyên - Mạnh Minh