Theo dự thảo, hiện nay chưa có suất đầu tư chung cho việc xây dựng cảng cạn (ICD). Bởi thế, việc tính toán nhu cầu vốn xây dựng cảng cạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được dựa trên cơ sở nhu cầu diện tích cần đầu tư với chi phí bình quân.
Cụ thể, giai đoạn đến 2025, tổng mức đầu tư dự kiến cho kịch bản cao là 13.600 tỷ đồng và con số này đến năm 2030 ước tính là 24.360 tỷ đồng. Đến giai đoạn năm 2050, nhu cầu vốn đầu tư cho cảng cạn có thể lên tới 33.808 tỷ đồng.
Đối với những hạng mục các dự án ưu tiên đầu tư, giai đoạn từ nay đến năm 2025, tập trung, khuyến khích đầu tư một số cảng cạn trên các hành lang vận tải kết nối với các cửa khẩu cảng biển lớn ở khu vực phía Bắc (cảng biển Hải Phòng, cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn) và khu vực phía Nam (cảng biển TP Hồ Chí Minh, khu bến cảng Cái Mép - Thị Vải).
Đơn cử, khu vực TP Hồ Chí Minh định hướng quy hoạch cảng cạn Long Bình và cảng cạn khu công nghệ cao, với năng lực thông qua có thể đạt 1,37 triệu teus/năm. Khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu, định hướng quy hoạch hai cảng cạn Phú Mỹ và Phước Hòa (Cái Mép), có năng lực thông qua đạt 550.000 teus/năm.
Ngoài ra, tập trung phát triển các cảng cạn nằm ở khu vực đầu mối vận tải lớn, khu vực có nhiều khu công nghiệp lớn, và các cảng cạn đã có chủ đầu tư nghiên cứu triển khai.
Cùng với đó, ưu tiên đầu tư cảng cạn có vị trí kết nối được với hai phương thức vận tải, các vị trí gắn liền hoặc nằm gần các cụm khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung, các trung tâm logistics cấp I đã được quy hoạch, các cửa khẩu đường bộ quốc tế lớn.
Tư vấn lập quy hoạch cũng đề xuất đa dạng hóa các hình thức đầu tư theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và khai thác cảng cạn bằng các hình thức theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, vận dụng linh hoạt các chính sách hỗ trợ, ưu đãi hiện hành phù hợp với điều kiện cụ thể về kinh tế - xã hội của từng địa phương về tín dụng, thuế, giá, phí, lệ phí, chuyển giao công nghệ, nhượng quyền khai thác.
Bên cạnh đó, xem xét áp dụng đầu tư phát triển cảng cạn theo hình thức đối tác công tư (PPP) đối với các cảng cạn có quy mô lớn theo hướng Nhà nước tạo điều kiện về quỹ đất, đầu tư kết nối đường sắt với cảng cạn, hoàn chỉnh môi trường pháp lý và ban hành cơ chế, chính sách phát triển cảng cạn và tư nhân đầu tư hạ tầng, thiết bị và tổ chức quản lý, khai thác cảng cạn.
Về cơ chế chính sách, sẽ ban hành chính sách về giá, phí tại cảng cạn để nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác cảng cạn; hoàn thiện các quy định về hải quan để tạo thuận lợi cho vận tải hàng hóa đa phương thức đến, rời cảng cạn.
Ngoài ra, thực hiện rà soát, điều chỉnh các quy định liên quan của pháp luật về đê điều nhằm tận dụng tối đa việc sử dụng tài nguyên đường bờ, bãi sông để phát triển kết cấu hạ tầng cảng cạn gắn với đường thủy nội địa kết nối đến các cảng biển, giảm tải cho hệ thống giao thông vận tải đường bộ.
Đối với giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, cần đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong công tác quản lý, khai thác hạ tầng cảng cạn, cũng như nghiên cứu thực hiện cơ chế đặt hàng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ở các lĩnh vực liên quan đến quản lý và khai thác cảng cạn.