Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt giữa các nền kinh tế trong việc thu hút các nhà đầu tư lĩnh vực bán dẫn, nhiều tập đoàn công nghệ lớn trước đã có kế hoạch vào Việt Nam nhưng mới chỉ dừng ở mức khảo sát, thăm dò và cần chờ các ưu đãi cụ thể. Trong khi đó, các cơ chế hỗ trợ đầu tư cần thời gian để ban hành và đi vào thực tiễn.
Để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất tập trung nguồn lực để triển khai các định hướng, mục tiêu, nội dung, hoạt động, nhiệm vụ tại Chiến lược và Chương trình phát triển nguồn nhân lực đã được phê duyệt; tăng cường hợp tác quốc tế, tích cực tiếp cận, làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt tập trung thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực đóng gói tiên tiến, là lĩnh vực có khả năng tạo bứt phá cho Việt Nam.
Cùng với đó, tập trung hoàn thiện 3 trụ cột cho ngành công nghiệp bán dẫn; đó là: cơ chế, chính sách; hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời, tiếp tục thu hút nhân tài, đặc biệt là các nhân tài người Việt trên toàn thế giới đóng góp vào ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.
Để hiện thực hóa các phương hướng triển khai trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tập trung và đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tại Chương trình Phát triển nguồn nhân lực; khẩn trương hoàn thiện, báo cáo các cấp có thẩm quyền về việc ban hành Nghị định Quỹ Hỗ trợ đầu tư, hướng dẫn triển khai, phát huy những cơ chế ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ đầu tư, báo cáo Ban chỉ đạo để định hướng, chỉ đạo về việc sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư được hiệu quả.
Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan thúc đẩy, thu hút các dự án của nước ngoài trong lĩnh vực này như: Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, đặc biệt là 2 dự án của Samsung; tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy mạnh triển khai thỏa thuận hợp tác đã ký kết với Tập đoàn NVIDIA.
Đối với Bộ Tài chính cần bố trí kinh phí từ nguồn chi đầu tư phát triển khác ngay trong năm 2025 (dự kiến 10.000 tỷ đồng) cho Quỹ Hỗ trợ đầu tư để triển khai nhiệm vụ. Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục tập trung và đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là các nhóm nhiệm vụ cụ thể như phát triển chip chuyên dụng; phát triển công nghiệp điện tử.
Đối với các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung và đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phát triển nguồn nhân lực và Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam; đồng thời, đẩy mạnh hợp tác, thu hút đầu tư từ các quốc gia, nền kinh tế, doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới; tăng cường nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp với khả năng của mỗi địa phương.
Bên cạnh đó, các viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, hỗ trợ đào tạo: chủ động, quyết tâm triển khai Chương trình phát triển nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác Nhà nước, đại học, viện nghiên cứu, trung tâm đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đào tạo giảng viên, trao đổi sinh viên, chương trình thực hành trong doanh nghiệp, học bổng sinh viên, đào tạo theo chuẩn quốc tế, đáp ứng theo nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.
Cùng với đó, các doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, tận dụng cơ hội để tham gia vào chuỗi giá trị bán dẫn; chủ động tham gia và tăng cường hợp tác chặt chẽ 3 nhà “Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp”, đặt hàng đào tạo cho các Trường, tạo đầu ra cho sinh viên; đồng hành, bổ sung nguồn lực cùng nhà nước, tăng cường hợp tác công - tư để hỗ trợ triển khai Chiến lược và Chương trình phát triển nguồn nhân lực bán dẫn.
“Việt Nam có thể nắm bắt được cơ hội “hiếm có” này để tham gia sâu vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn, do đó cần có sự tham gia, vào cuộc của tất cả các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia trong và ngoài nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
“Trong thời gian tới, dưới sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục nỗ lực để nhanh chóng, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc để góp phần đưa ngành công nghiệp bán dẫn trở thành động lực và đột phá mới, giúp Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.