Theo đó, Tập đoàn Đèo Cả đề nghị Bộ Giao thông vận tải chấp thuận cho đơn vị này là nhà đầu tư lập đề xuất Dự án đầu tư xây dựng giai đoạn 2 đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP. Trường hợp dự án không được phê duyệt thì nhà đầu tư chịu mọi chi phí, rủi ro của việc lập đề xuất dự án. Nhà đầu tư cũng sẵn sàng tiếp nhận các kết quả nghiên cứu trước đây liên quan đến dự án từ các cơ quan nhà nước.
Nhà đầu tư cũng cam kết sẽ hoàn thành hồ sơ lập đề xuất dự án trong 3 tháng, trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Theo Tập đoàn Đèo Cả, bằng kinh nghiệm và sự hiểu biết chuyên sâu về đầu tư PPP, sẽ định hướng nghiên cứu để không sử dụng vốn ngân sách nhà nước cho dự án, tạo ra sự hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người sử dụng đồng thời kết nối chia sẻ lợi ích với doanh nghiệp dự án Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận đã đầu tư giai đoạn 1 để tránh xung đột về phương án thu phí.
Nhà đầu tư sẽ tham gia đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP đồng thời áp dụng công nghệ BIM (Quy trình tiên tiến được ứng dụng trong quản lý của ngành xây dựng) ngay từ giai đoạn lập đề xuất dự án theo quy định tại Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng.
Dự án giai đoạn 2 cao tốc TP Hồ Chí Mimnh - Trung Lương - Mỹ Thuận có tổng chiều dài tuyến 91 km, nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ- TTg ngày 1/9/2021 với kế hoạch triển khai hoàn thiện trước năm 2030. Dự án đi qua địa phận của 3 địa phương là TP Hồ Chí Minh, tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang.
Theo quy định của pháp luật hiện nay, Bộ Giao thông vận tải là cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi và thực hiện các nội dung khác có liên quan đến dự án.
Tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (giai đoạn 1) dài khoảng 40 km được đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, sau hơn 12 năm khai thác lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến đã lên tới 50.000 lượt xe/ngày đêm), thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông.
Bên cạnh đó, năng lực thông hành của tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương cũng không còn bảo đảm khi tốc độ lưu thông hạn chế chỉ đạt khoảng 60 - 70 km/h (so với thiết kế là 100 - 120 km/h). Đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận có chiều dài 51 km, quy mô 4 làn xe, tuy được đưa vào khai thác vào ngày 30/4/2022 với tốc độ tối đa 80 km/h nhưng do làn dừng xe khẩn cấp không liên tục nên chỉ cần xuất hiện 1 sự cố va chạm giao thông cũng có thể gây ùn tắc kéo dài.
Theo số liệu từ đơn vị quản lý vận hành, trung bình mỗi ngày tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận phục vụ hơn 23.000 lượt xe, chạm mốc mãn tải. Vào các dịp lễ, tết, lưu lượng xe trên tuyến cao tốc tăng cao đột biến, trong đó ngày cao điểm nhất trong dịp Tết nguyên đán 2023 ghi nhận tới 39.000 lượt xe qua tuyến.
Để đáp ứng nhu cầu giao thông, theo nhiều chuyên gia giao thông, tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương cần sớm đầu tư, mở rộng lên quy mô 8 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế 120 km/h; tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cần đầu tư, mở rộng ngay giai đoạn 2 với mặt đường 6 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp, tốc độ thiết kế 100 km/h.