Diễn đàn nhằm trao đổi, thảo luận với mục tiêu đề xuất các sáng kiến, giải pháp triển khai thực hiện những định hướng lớn về tài chính - ngân sách nhà nước trong thời gian tới theo các định hướng đã được phê duyệt trong Chiến lược Tài chính đến năm 2030.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết: Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh năm 2023, bên cạnh Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính đã tham mưu các cấp thẩm quyền giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 đối với hầu hết các mặt hàng đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%.
Đồng thời, gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 đối với doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; giảm mức thu 36 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tiết giảm chi phí của doanh nghiệp, người dân... Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 10 khoảng 163,8 nghìn tỷ đồng.
Trong tháng 10, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 25/2023/QĐ-TTg ngày 03/10/2023 về giảm tiền thuê đất phải nộp của năm 2023. Dự kiến thực hiện giải pháp này, số tiền thuê đất được giảm nghĩa vụ năm 2023 là khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, các giải pháp chính sách tài chính, ngân sách nhà nước trong thời gian qua khá toàn diện, kịp thời, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý III/2023 đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%; chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 3,2%; hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được phục hồi và ngày càng được củng cố, phát triển tích cực.
Trước những khó khăn, thách thức của nền kinh tế, nhiều tổ chức quốc tế đã dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2023 ở mức từ 4,5 - 5,8% và tăng lên mức từ 5,5 - 6,5% trong năm 2024. Lạm phát được kiểm soát ở mức từ 3 - 3,8% trong năm 2023 và có thể tăng lên 4,71% trong năm 2024.
Chính sách chi ngân sách đã ưu tiên cho tăng trưởng xanh, chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ môi trường ngày càng được cụ thể, rõ ràng. Đầu tư công cho tăng trưởng xanh đã được lồng ghép trong các ưu tiên đầu tư ngành, lĩnh vực, địa phương và các công trình môi trường.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết: Tỉnh Bình Định đang có sự phát triển mạnh mẽ, từng bước rút ngắn chênh lệch về trình độ phát triển với các tỉnh, thành trong khu vực Duyên hải miền Trung. Năm 2023, kinh tế của tỉnh tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng khá, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) ước tăng 7,61%; GRDP bình quân đầu người ước đạt 77,85 triệu đồng. Thu ngân sách ước đạt 13.828 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa trừ tiền sử dụng đất đạt 7.500 tỷ đồng, vượt 8,2% dự toán, tăng 5,1% so cùng kỳ; huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 45,9% GRDP.
Hiện nay, Bình Định đang hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Đồng thời, hướng tới là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; dựa trên 5 trụ cột tăng trưởng.
Đại diện GIZ, Trưởng dự án Tăng cường quản lý tài chính công tại Việt Nam Arne Fraemk đánh giá cao khi Chính phủ Việt Nam hiện tích cực triển khai các giải pháp tăng trưởng xanh, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế liên tục nhưng vẫn duy trì sự cân bằng lành mạnh và quản lý các tác động đến môi trường.
Để hướng đến tăng trưởng xanh một cách bền vững, đại diện GIZ cho rằng, quá trình chuyển đổi năng lượng đòi hỏi nguồn tài chính rất lớn. Những nguồn lực này không thể được đáp ứng chỉ từ Chính phủ. Vì vậy, GIZ khuyến nghị giải pháp chuyển đổi công bằng. Quản lý ngân sách, nợ công và thuế có thể là những yếu tố nền tảng cho những cải cách lớn hơn, cũng như kích thích đầu tư từ khu vực tư nhân.
Bà Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài Chính cho hay, Bộ Tài chính đang hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài chính; trong đó, tiếp tục chú trọng đến chính sách tài khóa, thuế, thị trường, tài chính để làm sao mà hướng đến ưu tiên, khuyến khích cách hành vi giảm thiểu phát thải, ô nhiễm môi trường. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng, phát triển đề án thị trường cacbon, sàn giao dịch chứng chỉ cacbon. Đây là định hướng sắp tới mà ngành tài chính đóng góp cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Để giúp Việt Nam tăng trưởng bền vững, bà Ngô Thị Kim Thu, đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cũng có chương trình, chính sách hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng.
Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong quá trình thực hiện chương trình này. Hiện phái đoàn và các đối tác quốc tế khác đã cam kết sẽ huy động hơn 15 tỷ USD để hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, bền vững đạt được mục tiêu phát thải ròng vào năm 2050.
Ngoài ra, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam còn hỗ trợ chương trình quản trị kinh tế cùng với sứ quán Đức và Bộ Tài chính để xây dựng các khung chính sách tài chính bền vững giúp Việt Nam đồng hành trong quá trình phát triển bền vững cũng như hợp tác kỹ thuật song phương nhằm chia sẻ kinh nghiệm của EU và cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cần thiết.
Diễn đàn Tài chính Việt Nam 2023 gồm phiên tổng thể và 2 phiên tham luận, về chính sách tài chính vượt qua thách thức thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, và tài chính hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.