Dịch COVID-19: Xây dựng môi trường làm việc an toàn tại các doanh nghiệp

UBND Thành phố Hồ Chí Minh cùng các cơ quan chức năng, doanh nghiệp đã chủ động xây dựng nhiều giải pháp đảm bảo an toàn sản xuất tại các doanh nghiệp trong điều kiện dịch bệnh đang diễn ra. 

TP Hồ Chí Minh hiện có 415.000 doanh nghiệp đang hoạt động, với 3,2 triệu công nhân, người lao động. Nhiều doanh nghiệp có hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn nhân công. Đây là một trong những môi trường tiềm ẩn nguy hiểm khi dịch COVID-19 bùng phát.

Chỉ số rủi ro lây nhiễm SARS-CoV-2, thước đo căn bản trong phòng chống dịch

Đánh giá mức độ tiềm ẩn, nguy hiểm bùng phát dịch bệnh COVID-19 tại các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có đông người lao động, không đảm bảo thực hiện giãn cách xã hội, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2). Theo đó, bộ chỉ số là thang điểm để xác định doanh nghiệp được hoạt động; không được hoạt động hay được hoạt động nhưng phải kiểm tra định kỳ để hạn chế hay có giải pháp giảm rủi ro mới được hoạt động.

Chú thích ảnh
Công ty TNHH NV Apparel (Khu công nghiệp Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) thực hiện kẻ vạch để người lao động giữ khoảng cách khi xếp hàng quẹt thẻ công nhân trước khi vào chuyền sản xuất. Ảnh: Công Mạo/TTXVN

Ngay khi có hiệu lực, Thành phố đã lập các đội kiểm tra giám sát việc thực hiện bộ đánh giá chỉ số rủi ro lây nhiễm tại các doanh nghiệp và Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Theo phân cấp, những đơn vị hoạt động dưới 1.000 công nhân do Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn tổ chức theo dõi, nắm tình hình và báo cáo. Doanh nghiệp từ 1.000 đến 3.000 công nhân do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức kiểm tra; doanh nghiệp trên 3.000 công nhân do Sở Y tế phối hợp Sở Công Thương, Liên đoàn Lao động Thành phố và các sở, ngành liên quan kiểm tra.

Theo Sở Y tế Thành phố, hiện gần 6.300 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã có bản tự đánh giá chỉ số rủi ro lây nhiễm COVID-19, trong đó hơn 3.700 doanh nghiệp (chiếm 59,2%) tự đánh giá mức rất ít rủi ro lây nhiễm (dưới 10%); 2.483 doanh nghiệp (chiếm 39,5%) có chỉ số rủi ro thấp (từ 10% - 30%); 77 doanh nghiệp rủi ro trung bình (từ 30% - 50%); 5 doanh nghiệp rủi ro lây nhiễm cao (từ 50% - 80%).  

Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát và thẩm định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố và các đia phương cho thấy, một số doanh nghiệp có đông công nhân lao động không đáp ứng yêu cầu của bộ tiêu chí để đảm bảo hoạt động. Cụ thể có, 758 doanh nghiệp có mức rất ít rủi ro lây nhiễm (chiếm tỉ lệ 44,9%); 895 doanh nghiệp có mức rủi ro lây nhiễm thấp (chiếm 53,1%); 33 doanh nghiệp có mức rủi ro lây nhiễm trung bình (chiếm 2%). Đối với 22 doanh nghiệp trên 3.000 lao động, có 10 doanh nghiệp có mức rủi ro lây nhiễm thấp (chiếm 45,5%); 11 doanh nghiệp có mức rủi ro lây nhiễm trung bình (chiếm 50%); 1 doanh nghiệp có mức rủi ro lây nhiễm rất cao là Công ty trách nhiệm hữu hạn Pouyuen Việt Nam (chiếm 4,5%).

Từ thực tiễn, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã có hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong quá trình lao động sản xuất. Đồng thời, tiếp tục rà soát và khuyến cáo các doanh nghiệp đảm bảo giữ khoảng cách tiếp xúc, làm việc giữa người lao động; hạn chế tập trung đông tại nơi sản xuất, khu vực nhà ăn; thực hiện đeo khẩu trang thường xuyên.

Riêng tại Khu Công nghệ cao có khoảng 50 doanh nghiệp sản xuất với hơn 45.600 công nhân lao động đang hoạt động. Trong đó, phần nhiều doanh nghiệp sản xuất đáp ứng các tiêu chí theo quy định và tiếp tục hoạt động; các loại hình sản xuất khác còn lại đều tuân thủ yêu giãn cách xã hội chung của cả nước.

Ông Lê Thành Nhân, Trưởng phòng Doanh nghiệp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động chỉ bố trí 1/3 quân số theo yêu cầu của Ủy ban Nhân dân Thành phố. Số doanh nghiệp còn lại, cũng cam kết đầy đủ và thực hiện tự đánh giá theo bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm COVID-19 của Thành phố.

Đặc biệt, tại các Khu chế xuất, Khu công nghiệp Thành phố, kiểm tra 100 doanh nghiệp có trên 1.000 công nhân lao động cho thấy có số ít doanh nghiệp chưa đảm bảo yêu cầu của bộ tiêu chí. “Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp này thay đổi cách làm, điều chỉnh phương thức làm việc sẽ đáp ứng yêu cầu của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Thành phố và doanh nghiệp được phép hoạt động”, đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ.

Phát triển kinh tế phải đảm bảo không gây gây rủi ro cho người dân

Trong quá trình khảo sát kiểm tra tại các doanh nghiệp trong khu chế xuất Tân Thuận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Nguyễn Thành Phong yêu cầu phải hạn chế tối đa tiếp xúc gần tại khu vực đông công nhân. Ông Phong cũng đề nghị doanh nghiệp ký cam kết phòng chống dịch, thực hiện các bảng chỉ số rủi ro lây nhiễm, tăng cường kiểm soát tình hình, ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác chống dịch. Ông Phong cho rằng: Bảo vệ sức khỏe của công nhân là bảo vệ sản xuất. Nếu để một công nhân nhiễm bệnh là cả khu vực sản xuất lập tức bị ảnh hưởng, ảnh hưởng lớn đến dây chuyền sản xuất.

Theo Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu công nghiệp Thành phố, hiện thành phố có 17 khu chế xuất, khu công nghiệp với khoảng 1.100 doanh nghiệp đang hoạt động với gần 280.000 công nhân lao động (trong đó phần lớn ở ngoài thành phố). Trong đó, nhiều doanh nghiệp có đông công nhân đã bố trí cách làm lệch giờ, chia nhiều ca, giãn ca để đảm bảo giãn cách xã hội. Điển hình như Công ty TNHH Samsung Việt Nam, Công ty TNHH Quốc tế Unilerver Việt Nam, Công ty TNHH Longrich Việt Nam, Công ty TNHH Hansea Việt Nam… đã thực hiện giãn ca, bố trí lệch giờ ăn giữa ca, ăn theo từng phân xưởng, tạo vách ngăn riêng biệt giữa hai người ngồi ăn cùng lúc nhằm hạn chế tiếp xúc, đảm bảo an toàn, an tâm, tránh sự lây nhiễm chéo.

Tại quận Tân Phú, bà Phạm Ngọc Lan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận cho biết, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đều thực hiện tốt bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm; một số doanh nghiệp cũng đã có phương án nếu xảy ra dịch bệnh lây lan làm ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, cộng đồng sẽ ngừng sản xuất. Khảo sát tại quận Bình Tân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân quận cũng ghi nhận nhiều doanh nghiệp tích cực thực hiện nhiều giải pháp theo yêu cầu của bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp sản xuất còn tiềm ẩn những yếu tố không đảm bảo an toàn phòng chống dịch, cần có biện pháp khắc phục nhằm ngăn chặn, phòng ngừa dịch bệnh. 

Về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất, Khu công nghiệp Thành phố đại diện người lao động bày tỏ ủng hộ bộ chỉ số đánh giá tính rủi ro lây nhiễm COVID-19 của thành phố nhằm thúc đẩy doanh nghiệp chấp hành nghiêm, thực hiện có trách nhiệm đối với người lao động và cộng đồng. Các chỉ tiêu, mục đích của bộ tiêu chí còn hướng đến hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn, lành mạnh chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho mọi người, nhất là người lao động trong thời điểm cách ly toàn xã hội.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho rằng, cần phân loại doanh nghiệp ở các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là doanh nghiệp thâm dụng lao động để bộ chỉ số này phát huy hiệu quả tác dụng. Đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn, doanh nghiệp điểu chỉnh hoạt động, phương pháp làm việc phù hợp; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia phòng dịch, giãn cách xã hội nhằm đáp ứng các yêu cầu theo bộ tiêu chí thành phố. Ông Tuấn cũng khuyến nghị người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện các nội quy, quy định của cơ quan, chính sách, pháp luật của nhà nước trong thời điểm này.

Cùng quan điểm, ông Tsao Chung Hung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận, chủ đầu tư Khu chế xuất Tân Thuận cho rằng, việc giãn khoảng cách đối với các doanh nghiệp có đông công nhân đôi lúc cũng có những khó khăn nhất định. Tuy nhiên, Khu chế xuất Tân Thuận cũng đang áp dụng nghiêm ngặt các giải pháp chống dịch, chủ động xây dựng sẵn các kịch bản ứng phó khi có người nhiễm, các phương án dự phòng cho cả khu vực có 1 doanh nghiệp với 56.000 lao động Việt Nam và 585 lao động nước ngoài. 

Chị Lê Thị Hoa, công nhân Công ty Cổ phần Việt Hưng cho biết, gần 2 tuần nay, công ty đã sắp xếp lại bàn máy may để giãn giữa hai công nhân với nhau. Vì thế, công ty phải cho công nhân làm một ngày, nghỉ một ngày để bảo đảm mật độ người lao động làm việc trong phân xưởng. Theo chị Hoa, một tháng làm 15 ngày chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thu nhập, nhưng đây có lẽ là điều tốt nhất cho người lao động, cho doanh nghiệp chung sức, đồng lòng thực hiện tốt giãn cách xã hội, đẩy lùi dịch bệnh.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng đặt yêu cầu đối với các doanh nghiệp là đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, “Nhà nước không ngăn cản doanh nghiệp sản xuất, nhưng phát triển kinh tế phải đảm bảo yêu cầu, không gây gây rủi ro cho an toàn người dân. Khi nào doanh nghiệp khắc phục được các tiêu chí về phòng chống dịch bệnh thì mới được sản xuất”.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố, từ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đến nay đã có 75% doanh nghiệp bị thu hẹp sản xuất làm ảnh hưởng trực tiếp đến 1/3 số lao động đang làm việc - tương đương với 600.000 công nhân bị mất việc, ngừng việc. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, tránh dịch COVID-19 bùng phát, đặc biệt là trong thời điểm vàng - những ngày giãn cách xã hội, đôi khi phải chấp nhận một phần thiệt hại để sớm đẩy lùi dịch, bệnh.

Thanh Vũ - Tiến Lực (TTXVN)
Kịp thời triển khai gói hỗ trợ tiếp sức doanh nghiệp
Kịp thời triển khai gói hỗ trợ tiếp sức doanh nghiệp

Chính phủ đã ban hành Nghị định 41 về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với nhiều đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. So với dự thảo ban đầu, Nghị định này đã mở rộng diện gia hạn thuế tới 98% doanh nghiệp, với gói hỗ trợ lên tới 180.000 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN