Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP. So với kết quả chỉ trong 3 năm của giai đoạn đầu thì đây được xem không phải là con số lớn. Nhưng việc trong giai đoạn vừa qua chủ yếu là khai thác từ các sản phẩm có sẵn và giai đoạn tới đòi hỏi phải có các sản phẩm mới, gia tăng giá trị cũng như phải duy trì và phát triển được các sản phẩm đã công nhận thì để đạt được mục tiêu trên việc triển khai OCOP không thể nóng vội, chạy theo phong trào và luôn có sự đồng hành của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý với các chủ thể.
Đồng hành và sáng tạo
Theo PGS.TS. Trần Văn Ơn - "cha đẻ" và là Cố vấn Quốc gia chương trình OCOP, OCOP không phải là chương trình “Hàng Việt Nam chất lượng cao, bởi vậy, không chọn sản phẩm đã có sẵn để đi thi, treo giải. Điều này sai 3 nguyên tắc của Chương trình OCOP (hành động địa phương nhưng hướng đến toàn cầu; Tự lực – Tự tin – Sáng tạo; Phát triển nguồn nhân lực).
Ông Ơn cho rằng, trong quá trình phát triển và thương mại hóa sản phẩm, phần người dân cần hỗ trợ nhất là: tìm ý tưởng sản phẩm, xây dựng kế hoạch kinh doanh, triển khai kế hoạch kinh doanh, tìm nguồn vốn, tổ chức sản xuất, phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực… Có nghĩa là Nhà nước phải đồng hành cùng người dân ngay từ khâu tìm ý tưởng sản phẩm. Làm được điều này cũng chính là trả lời cho những băn khoăn của ông Nguyễn Quyết Chiến, ông Trương Văn Đại đang muốn phát triển sản phẩm rắn, sản phẩm đồ mộc ở xã An Tường, Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.
Để làm được những nội dung trên, chất lượng cán bộ ở tỉnh và mỗi huyện liên quan đến thành bại của Chương trình. Khi bố trí được cán bộ “tận tâm – hiểu biết” thì OCOP ở địa phương đó thành công. Ngược lại, khi các cán bộ phụ trách “lơ mơ – vô cảm” thì chương trình sẽ đầy khó khăn, trắc trở và không thành công đúng nghĩa như mục tiêu. Do đó cần thiết phải tiến hành đào tạo các cán bộ này, ông Trần Văn Ơn chỉ ra.
Đi từ thực tế, anh Trần Văn Chính, chuyên viên Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Nam Định thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết, cán bộ của tỉnh đã tham gia các lớp đào tạo của chương trình, đã “vỡ” ra nhiều vấn đề và hỗ trợ được phần nhất định cho bà con tham gia. Tuy nhiên, đây là chương trình mới, có nhiều vấn đề phức tạp, Nam Định đã thuê đơn vị tư vấn có năng lực về quản lý chất lượng sản phẩm, xúc tiến thương mại, quản trị doanh nghiệp… để trực tiếp hướng dẫn các chủ thể tham gia chương trình.
Nhờ sự hỗ trợ hiệu quả này, các chủ thể tham gia chương trình đã rất tự tin, chủ động lập trang web, facebook quảng bá sản phẩm đi nhiều nơi. “Quan trọng là sự tư vấn và đơn vị quản lý Nhà nước phải tâm huyết đi cùng các chủ thể”, anh Chính chia sẻ.
Ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, mục tiêu từ nay đến năm 2025, Bắc Ninh có ít nhất từ 400-500 sản phẩm OCOP được công nhận cơ bản đạt tiêu chí 3 sao trở lên. Trong đó, có từ 5-10 sản phẩm đạt OCOP 5 sao. Với mục tiêu này, tỉnh tập trung ban hành nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh về phát triển sản phẩm OCOP bắt đầu từ hình thành ý tưởng, phát triển sản phẩm đến khâu tiêu thụ sao cho các khâu này trở thành quy trình khép kín.
Truyền thông cũng có vai trò rất lớn để làm người dân hiểu rõ về chương trình này, từ đó khích lệ thi đua sản xuất. Vì vậy, ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Thường trực Tổ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cho rằng cần rà soát lại chính sách, nhất quán trong chiến lược truyền thông và khích lệ phục hồi những nơi có nghề truyền thống đã mất, gắn kết với nghề mới. Qua đó tạo kết nối thị trường.
Nhiều chuyên gia có quan điểm, sản phẩm OCOP không nhất thiết phải vào siêu thị, nhưng cũng cần có kênh bán hàng mang bản sắc riêng có của mình, chẳng hạn như cần có các trung tâm xúc tiến thương mại chuyên nghiệp. Việc hình thành các trung tâm xúc tiến thương mại chuyên nghiệp ở các vùng trọng điểm sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa ra các điểm sản xuất, có sự kết hợp với sản phẩm trong du lịch.
Theo ông Hồ Xuân Hùng, trong khi du lịch phát triển mạnh, các sản phẩm đặc sản như vậy cần có các trung tâm giới thiệu, đưa sản phẩm đến với khách du lịch. Thời đại công nghệ số, các trung tâm này cũng cần phát triển cả về thương mại điện tử để sản phẩm được tiếp cận trực tiếp với nhu cầu từng người tiêu dùng.
“Các chủ thể cần xây dựng mối liên kết trong sản xuất, phân công lao động theo kỹ năng tay nghề trong các công đoạn để tạo ra sự chuyên môn hóa. Chẳng hạn nơi trồng cà ngon thì sẽ không thể có nước mắm ngon và ngược lại, nhưng để tạo ra sản phẩm cà dầm nước mắm ngon thì hai địa phương này có thể kết hợp với nhau tạo ra sản phẩm ngon”, ông Hồ Xuân Hùng gợi ý.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thành Nam, trong thời gian tới, dự kiến chương trình sẽ hỗ trợ các địa phương những sản phẩm mới trên cơ sở những lợi thế, những vùng nguyên liệu trong ngành nghề truyền thống; đồng thời đào tạo nghề chuẩn hóa lao động nông thôn và tối thiểu là 25 - 30% lao động của OCOP được đào tạo bài bản.
Giám sát chất lượng, sàng lọc sản phẩm
Có OCOP, các sản phẩm nông thôn, làng nghề như được khoác trên mình cái áo mới. Nhưng để chiếc áo này luôn đẹp và bền thì chính chủ thể cũng đòi hỏi phải tự vận động, quảng bá, xây dựng hình ảnh và đảm bảo chất lượng.
Trước việc giai đoạn 1 vẫn khai thác “kho” có sẵn nên nhiều địa phương có rất nhiều sản phẩm được công nhận OCOP, điển hình như Hà Nội, sang giai đoạn 2, PGS.TS. Trần Văn Ơn cho rằng, cần phải đi vào chiều sâu, tiếp tục khai thác sản phẩm mới. Giai đoạn này cần khuyến khích người dân sáng tạo, phấn đấu; đồng thời sàng lọc hỗ trợ các chủ thể đã đạt trong giai đoạn 1 để phát triển, tăng năng lực kinh doanh, tính minh bạch cho sản phẩm.
Theo Sở Công Thương tỉnh Nam Định, trong một làng nghề có rất nhiều sản phẩm và rất nhiều hộ kinh doanh. Nếu nhiều hộ cùng sản xuất một loại sản phẩm và được công nhận sẽ có hàng trăm sản phẩm giống nhau. Do đó, Sở Công Thương Nam Định định hướng sẽ thành lập hợp tác xã, để cho một chủ thể đứng tên một sản phẩm cũng như tạo sự chuyên môn hóa, đồng nhất trong sản phẩm. Về phía tỉnh sẽ hỗ trợ, phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng tinh, không công nhận tràn lan.
Theo quy định của chương trình, sản phẩm OCOP chỉ có giá trị trong 3 năm. Để sản phẩm luôn đáp ứng được yêu cầu, Nam Định đang xây dựng quy chế quản lý sản phẩm có ứng dụng công nghệ nhằm giám sát sản phẩm của tỉnh. Dự kiến trong quý II/2021, Nam Định sẽ ban hành và triển khai quy chế này.
Với các sản phẩm đã công nhận, ông Trần Huy Oánh, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, các địa phương cần có cơ quan thẩm định lại để tránh việc công nhận tràn lan, để sản phẩm đã là OCOP thì người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm tin dùng, tránh có thể xảy ra tình trạng làm tùy tiện gây ảnh hưởng đến sự tin tưởng của người tiêu dùng, dẫn đến ảnh hưởng chương trình.
Đi đầu cả nước trong phát triển OCOP và khẳng định chất lượng sản phẩm này của địa phương, ông Vũ Thành Long - Trưởng Ban xây dựng Nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, Phó Ban chỉ đạo OCOP tỉnh cho biết, hàng năm, địa phương tiến hành kiểm tra các sản phẩm. Sản phẩm chưa tốt sẽ nhắc nhở và sản phẩm có chiều hướng không đảm bảo sẽ bị loại khỏi thị trường OCOP. Thời gian vừa qua, tỉnh đã loại trên 60 sản phẩm, nhiều nhất toàn quốc.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn tới, việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP gắn với hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP quốc gia, tập trung hoàn thiện và công bố thương hiệu OCOP Việt Nam được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Nguyên Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị tổng kết Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 cũng đã lưu ý các địa phương khi tham gia chương trình đó là "không được làm theo phong trào, phải làm theo quy luật cung cầu; trong đó gắn với nhu cầu cả trong nước, khu vực và quốc tế, gắn với phát huy lợi thế, tiềm năng, văn hóa của từng địa phương".
Bài cuối: Nhiều giải pháp nâng tầm nông sản Việt