Tham dự phiên điều trần có Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh; Trưởng đoàn đàm phán EU, Phó Tổng vụ trưởng thương mại châu Âu Helena Konig cùng nhiều chuyên gia và diễn giả đại diện của các tổ chức dân sự, tổ chức phi chính phủ cùng giới doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam.
Phát biểu tại phiên điều trần, Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết Việt Nam đang hòa nhập với thế giới, đã tham gia nhiều công ước quốc tế và có quan hệ đối tác thương mại với nhiều quốc gia. Ông bày tỏ trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, Việt Nam kiên định ủng hộ các mối quan hệ đa phương dựa trên các nguyên tắc nhất quán.
Khẳng định Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) là đối tác lớn của nhau, Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết EU đã hỗ trợ Việt Nam trong phát triển, giảm đói nghèo và hai bên đang từng bước tiến tới mối quan hệ toàn diện hơn. Ông đánh giá cao các lợi ích do hiệp định mang lại, từ tăng cường trao đổi thương mại tới thúc đẩy đầu tư của châu Âu vào Việt Nam trong lĩnh vực giao thông vận tải và nâng cao các tiêu chuẩn của Việt Nam để phù hợp với thế giới.
Trưởng đoàn đàm phán EU, Phó Tổng vụ trưởng thương mại châu Âu Helena Konig nêu bật tầm quan trọng của FTA và IPA giữa EU với Việt Nam, đồng thời khẳng định sự hấp dẫn của Việt Nam với sức mạnh kinh tế ngày càng tăng cùng một thị trường 95 triệu dân. Trong bối cảnh Việt Nam có nhiều FTA với các đối tác trong khu vực và trên thế giới, bà Helena Konig nhận định EVFTA sẽ giúp doanh nghiệp châu Âu tiếp cận và tăng cường khả năng cạnh tranh tại đây. Bên cạnh đó, IPA sẽ giúp bảo vệ các nhà đầu tư châu Âu kinh doanh ở Việt Nam. Bà cho rằng các cam kết của Việt Nam sẽ đảm bảo tốt hơn quyền của người lao động, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Tại sự kiện, nhiều diễn giả đề cập tới các lợi ích mà hiệp định mang lại và trông đợi việc Việt Nam phê chuẩn Luật lao động mới, dự kiến vào năm 2019, sẽ xác lập nền tảng pháp lý cho việc phê chuẩn 3 công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trong tương lai, góp phần nâng cao năng lực hội nhập toàn cầu, vì sự bình đẳng và tiến bộ xã hội. Các đại biểu nhận định EVFTA là cơ hội tốt để tăng cường hợp tác EU-Việt Nam trong các lĩnh vực như bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường cũng như gia tăng cơ hội xuất khẩu các sản phẩm xanh, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) Nicolas Audier đánh giá diễn biến buổi điều trần rất khả quan với việc hai trưởng đoàn đàm phán đã đưa ra thông điệp rõ ràng và phần phát biểu của 5 chuyên gia đều mang tính tích cực. Ông cho biết kết quả này là điểm cộng khi Nghị viện châu Âu (EP) xem xét thông qua hiệp định trong thời gian tới. Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) ghi nhận Việt Nam đã chuyển biến ngoạn mục trên nhiều lĩnh vực, bao gồm kinh tế và xã hội trong hơn 30 năm qua. Với một số vấn đề còn tồn tại, ông cho rằng để giải quyết cần phải có thời gian.
Theo lộ trình, Ủy ban châu Âu sẽ gửi hồ sơ lên Hội đồng châu Âu để xin ủy nhiệm ký hiệp định. Sau khi được ký, hiệp định sẽ được Hội đồng châu Âu trình lên EP để các đại biểu bỏ phiếu phê chuẩn. EP có thể tiến hành thủ tục thông qua hiệp định trước thời gian diễn ra cuộc bầu cử nghị viện châu Âu khóa mới, dự kiến vào tháng 5/2019.