Đại sứ Vương Thừa Phong phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Kim Chung/PV TTXVN tại Bỉ . |
Đông đảo các thành viên của INTA, đại diện Ủy ban châu Âu, đại diện giới doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ và nhiều nhà ngoại giao trong Ngoại giao đoàn tại Brussels đã có mặt tham dự. Dưới sự chủ trì của Nghị sĩ Bernd Lange, Chủ tịch INTA, các đại biểu đã đánh giá cao ý nghĩa và tầm quan trọng của EVFTA đối với cả Việt Nam và EU.
Cho rằng công việc đối chiếu pháp lý của Hiệp định sau khi hai bên kết thúc đàm phán năm 2015 đã diễn ra chậm hơn so với dự kiến, các Nghị sĩ châu Âu đã nhấn mạnh sự cần thiết trong tình hình hiện nay là cần phải đẩy nhanh quá trình hoàn thiện văn bản và các thủ tục liên quan để hai bên sớm tiến tới ký kết và phê chuẩn Hiệp định.
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Đại sứ Vương Thừa Phong đã cung cấp nhiều thông tin đáng chú ý về những nỗ lực của Việt Nam trong tiến trình tái cấu trúc, thúc đẩy quá trình hội nhập nền kinh tế Việt Nam với khu vực và quốc tế, khẳng định Việt Nam rất coi trọng quan hệ với EU.
Đại sứ cho biết trao đổi thương mại giữa EU và Việt Nam năm 2017 đã đạt tầm cao mới với tổng kim ngạch hai chiều gần 52 tỷ USD. EU đã trở thành một trong năm nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất và là nhà đầu tư ngoài châu Á lớn nhất tại Việt Nam với 2.000 dự án có tổng vốn đầu tư 22 tỷ USD.
Bày tỏ hy vọng EVFTA sớm được phê chuẩn đi vào thực thi, Đại sứ cho rằng Hiệp định này sẽ mang lại nhiều cơ hội về đầu tư và thương mại, giúp cho cả hai phía phát huy thế mạnh bổ sung cho nhau, gửi một thông điệp tích cực và mạnh mẽ đến thế giới và là bước chuẩn bị quan trọng cho một Hiệp định tự do EU-ASEAN trong tương lai.
Đại sứ khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục xem xét tích cực các vấn đề mà phía EU quan tâm liên quan đến việc sửa đổi Luật Lao động của Việt Nam, việc Việt Nam tham gia một số Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), kết hợp thương mại với phát triển bền vững.
Dự kiến Ủy ban châu Âu sẽ phối hợp với Việt Nam hoàn thiện văn bản EVFTA trước cuối tháng 3 năm nay để chính thức trình Hội đồng châu Âu thông qua, sau đó Hiệp định sẽ được đưa ra Nghị viện châu Âu xem xét phê chuẩn trong 6 tháng cuối năm 2018.