Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang ngày càng được quan tâm tại Chương trình nghị sự của các quốc gia trên thế giới. Việt Nam đã tham gia các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính và xác định phải chuyển đổi xanh và chuyển đổi số để đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, hiệu quả, bền vững, đồng thời cùng cộng đồng quốc tế đạt được các mục tiêu về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Định hướng này được thể hiện qua Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 cũng như Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 qua Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22/7/2022. Hội thảo là cơ hội đánh giá thực trạng phát triển kinh tế xanh của Việt Nam theo các phương diện khác nhau, xác định thuận lợi, thách thức trong chuyển đổi xanh, đặc biệt là những điểm nghẽn về thể chế liên quan.., từ đó, đề xuất định hướng, giải pháp ban đầu cho Việt Nam nhằm chuyển đổi hữu hiệu, bền vững sang nền kinh tế xanh trong bối cảnh mới.
Đánh giá xu hướng mô hình kinh tế xanh trên thế giới và Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Trương Quang Học, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Tài nguyên và Môi trường (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết, phát triển kinh tế xanh để đạt được tăng trưởng xanh đã trở thành xu hướng tất yếu của kinh tế thế giới hiện đại. Tăng trưởng xanh chỉ rõ cách thức phản ứng của các nền kinh tế trước diễn biến của biến đổi khí hậu và tình trạng cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; phản ánh các xu hướng tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới với ngành công nghiệp xanh nổi lên như một mũi nhọn, tạo động lực tăng trưởng mới, mang tính cạnh tranh cao.
Đồng thời, thể hiện những nỗ lực của các Chính phủ trong tái cấu trúc nền kinh tế hướng đến tăng trưởng xanh và bền vững. Hiện những mô hình có xu hướng chuyển đổi sang nền kinh tế xanh gồm: Đô thị xanh, thị trường tín chỉ carbon, tài chính xanh (tín dụng, chứng khoán, bảo hiểm xanh), năng lượng mặt trời và các lĩnh vực liên quan.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Trương Quang Học, kinh tế xanh xuất phát từ việc tăng cường đầu tư cho các lĩnh vực giúp bảo vệ và phát triển vốn tự nhiên của trái đất, hạn chế suy giảm sinh thái và các rủi ro về môi trường như: Năng lượng tái tạo, giao thông phát thải carbon thấp, xây dựng hiệu quả năng lượng, các công nghệ sạch, hệ thống quản lý chất thải tiên tiến, hệ thống cung cấp nước sạch tiên tiến và nông - lâm - ngư nghiệp bền vững. Việc đầu tư phát triển kinh tế xanh cần được hỗ trợ từ những cải cách về chính sách trong nước và quốc tế, nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng của thị trường.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã thảo luận một số vấn đề về đô thị xanh; tiết kiệm năng lượng, sinh thái, thiên nhiên, thông minh; hiệu ứng nhà kính; tiềm năng và xu hướng phát triển điện mặt trời tại Việt Nam...
Để chuyển đổi hữu hiệu bền vững sang kinh tế xanh, chuyên gia đề xuất các chính sách năng lượng xanh, bài toán công nghệ, đẩy nhanh và sớm vận hành thị trường điện bán buôn bán lẻ cạnh tranh, nghiên cứu, hoàn thiện thúc đẩy mạnh mẽ hơn kinh tế tuần hoàn, hoàn thiện thể chế sản xuất, tiêu thụ thị trường điện mặt trời. Cùng với đó, các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, Việt Nam cần thực hiện hữu hiệu theo lộ trình phù hợp một cách đồng bộ, phối hợp hữu hiệu các quy hoạch, chương trình, dự án giữa các bộ ngành, địa phương; đồng thời xây dựng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi xanh và kinh tế xanh.