Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa kết thúc đàm phán có thể mở ra cơ hội để doanh nghiệp (DN) tăng cường các hoạt động kết nối giao thương, đẩy mạnh hợp tác kinh tế. Tuy nhiên, do giá nguyên liệu cho lĩnh vực cơ khí vẫn cao hơn so với các nước lân cận nên DN Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với các nước.
Khó tìm nguyên liệu giá rẻ
Ông Hideo Toyoshima, Giám đốc điều hành cấp cao Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Osaka - Nhật Bản cho biết, Việt Nam và Nhật Bản sẽ đẩy mạnh hơn nữa sự kết nối để cùng tận dụng tối đa những lợi ích mà TPP đem lại. Các DN Nhật Bản đã liên tục có các cuộc gặp gỡ với DN Việt nhằm tìm hiểu các thế mạnh của nhau, bổ sung và giúp nhau khắc phục những khó khăn hiện tại để cùng hướng đến sự phát triển toàn diện.
Dây chuyền sản xuất khung xe ô tô hành khách (từ 24-80 chỗ) tại nhà máy của Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn(Samco). |
Cũng theo ông Hideo Toyoshima, Việt Nam là nước có lợi thế về chi phí sản xuất như nhân công, điện, nước thấp hơn. Cụ thể, chi phí cho lao động giỏi chuyên môn, kỹ năng nghề và có trình độ ngoại ngữ cơ bản khoảng 440 USD/người/năm. Chi phí điện khoảng 0,09 USD/kWh, nước khoảng 0,43 USD/m³. Các chi phí này thấp hơn 2 - 3 lần so với Manila của Philippines, Quảng Châu của Trung Quốc… Quan trọng hơn, Việt Nam đang có cơ hội được hưởng mức thuế suất ưu đãi khi hàng loạt hiệp định thương mại được thông qua trong thời gian tới. Tuy nhiên, mấu chốt hiện nay là nguồn nguyên liệu mà các DN Việt cung cấp giá vẫn khá cao so với các nước khác.
Ông Takashi Sakakibara, Phó Tổng Giám đốc Công ty Nikken Việt Nam qua nhiều lần tìm kiếm đối tác cung cấp nguồn nguyên liệu cho lĩnh vực ngành cơ khí tại Việt Nam, cho biết: Nhìn chung, giá thành nguyên liệu tại Việt Nam vẫn cao hơn so với nước khác. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu sắt, thép tại Việt Nam lại chủ yếu nhập về từ các nước khác, phần lớn là từ Trung Quốc. Sắp tới, khi Việt Nam tham gia cộng đồng kinh tế Asean, thì nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc về Việt Nam càng rẻ hơn nữa. “Nếu như vậy, DN chúng tôi sẽ trực tiếp nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài thay vì sử dụng nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam. Điều này cũng đồng nghĩa, nếu Việt Nam không hạ giá thành nguyên liệu xuống thì sẽ khó cạnh tranh với các nước bạn khi hội nhập”, ông Takashi nói.
Chia sẻ về nỗi lo này, ông Phan Nhật Tuyên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Thuận Phát thừa nhận, đây chính là khó khăn mà các DN Việt Nam đang phải đối mặt. Bởi hiện nay, phần lớn nguồn nguyên liệu sắt, thép DN Việt Nam đều phải nhập khẩu. Trong đó, Trung Quốc là nước cung cấp nguồn nguyên liệu rẻ nhất. Nếu muốn giá thành rẻ hơn, DN cũng khó có thể thực hiện được vì giá thành thường đi đôi với chất lượng. Nếu như vậy, DN cũng không thể cạnh tranh với các nước khác vì chất lượng nguồn nguyên liệu sẽ bị thấp đi, đối tác khó có thể chấp nhận được.
Vẫn phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu
Thực tế hiện nay, DN Việt Nam đang bị lệ thuộc quá lớn về nguồn nguyên liệu nhập khẩu, điều này làm cho các DN sản xuất chịu phí cao, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng thấp. Điển hình như ngành thép, hiện các DN Việt muốn chủ động nguồn nguyên liệu cũng khó vì chất lượng nguồn quặng trong nước vừa thấp lại vừa thiếu, không đủ để cung cấp nhu cầu phục vụ sản xuất. Do đó, các DN thép buộc vẫn phải nhập khẩu.
Theo đại diện Công ty cổ phần Thép Hòa Phát, trong quý II đơn vị đã nhập 55.000 tấn tinh quặng từ Nam Phi để phục vụ cho quá trình sản xuất. Đây là lần đầu tiên đơn vị này nhập tinh quặng, và sắp tới DN sẽ tiếp tục nhập vì nguồn nguyên liệu trong nước không đủ để đáp ứng. Cũng như Hòa Phát, nhiều DN thép thời gian qua cũng phản ánh tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu đạt tiêu chuẩn trong nước.
Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, tổng sản lượng của các lò cao đang hoạt động tại Việt Nam mới đạt hơn 2 triệu tấn và dự kiến sẽ tăng lên 10 triệu tấn sau khi các lò cao đang xây dựng đi vào hoạt động. So với nhu cầu hơn 20 triệu tấn quặng sắt từ năm 2016, con số này chỉ đáp ứng 50%. Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết thêm, Việt Nam đang rất thiếu nguồn quặng sắt bởi các mỏ đều nằm rải rác ở các tỉnh và đa số chất lượng thấp. Quặng của Việt Nam dù có khai thác được thì vẫn cần nhập thêm để trung hòa chất lượng.
Nắm bắt điểm yếu này, thời gian qua lượng phôi thép từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam ồ ạt, càng khiến cho các nhà máy sản xuất phôi thép tại Việt Nam lao đao do phải cạnh tranh với hàng nhập giá rẻ. Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam cho thấy, 9 tháng qua, đã có gần 1 triệu tấn phôi thép Trung Quốc nhập vào Việt Nam. Điều đáng nói, để lách thuế, 1 triệu tấn phôi thép này được “đội lốt” hợp kim (hưởng thuế 0%). Trong khi đó, Trung Quốc đang hoàn thuế cho thép hợp kim từ 9-13%, lại được hưởng thuế 0% khi vào Việt Nam. Theo ông Sưa, nếu không kịp thời ngăn chặn thì các DN thép trong nước không thể cạnh tranh nổi, buộc phải giảm công suất, bán dưới giá thành và thua lỗ nặng.
Trước tình hình trên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, để không bị mất thị phần và thua thiệt trên sân nhà khi hội nhập, trước mắt DN Việt vẫn phải tăng cường năng lực cạnh tranh, tranh thủ sự chuyển giao công nghệ từ các nước lớn như Nhật Bản hoặc Mỹ để nâng cao kỹ thuật, chất lượng sản phẩm vì nếu chỉ dựa vào nhân công giá rẻ, khó có thể giúp cho sự phát triển lâu dài của Việt Nam. Song song đó, Nhà nước vẫn phải có chính sách, cơ chế phù hợp để giúp các DN Việt nâng cao năng lực cạnh tranh kinh doanh, đồng thời cần hoàn thiện quy định, xây dựng hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn chặn hành vi gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh.