Sáu tác động lớn của TPP

Báo cáo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa nêu 6 tác động lớn của Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) tới nền kinh tế Việt Nam. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên báo Tin Tức có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Đức Thành (ảnh) - Viện trưởng VEPR.


TPP vừa hoàn tất quá trình đàm phán với 12 thành viên là Mỹ, Nhật, Canada, Australia, New Zealand, Chile, Peru, Mexico, Malaysia, Singapore, Brunei và Việt Nam. Những tác động nào của TPP ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam, thưa ông?


+Thứ nhất: Gia nhập TPP, Việt Nam sẽ được gia tăng về tiêu dùng và đầu tư, đặc biệt là các ngành công nghiệp nhẹ như: May mặc, dệt, da giày có cơ hội tăng sản lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, những ngành này đòi hỏi lao động giá rẻ để thu hút đầu tư. Với các ngành kém lợi thế như chăn nuôi cần phải tái cơ cấu để tăng năng suất, hiệu quả hơn. Thứ hai, khi TPP được thực thi, các dòng thuế quan sẽ giảm dần về 0% khiến doanh thu về thuế giảm. Thứ ba, việc tham gia TPP không chỉ đòi hỏi các nước tham gia cắt giảm các hàng rào thuế quan mà còn đòi hỏi cắt giảm những hàng rào phi thuế quan như chi phí vận chuyển, thủ tục chờ đợi nhập khẩu…

Cơ hội cho ngành dệt may khi Việt Nam tham gia TPP.
Ảnh:Quốc Việt - TTXVN

Thứ tư: Sự cấp thiết phải tiến hành cải cách thể chế, tự do hóa thị trường các yếu tố đầu vào như lao động, vốn, đất đai. Thứ năm: Các nước sẽ có xu hướng áp dụng các hàng rào kỹ thuật thay thế để bảo vệ các ngành sản xuất nội địa của mình. Thứ sáu, với những ưu đãi khi gia nhập TPP, đầu tư của Việt Nam sẽ tăng mạnh với sự gia tăng của các dòng thương mại, các nước trong khối sẽ tăng cường đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Theo tôi, đối với TPP, ngoài thuế quan hạ xuống 0% thì trong quá trình sản xuất các doanh nghiệp phải tuân thủ khá khắt khe các tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật; phải đảm bảo quyền lợi người lao động; vai trò của Chính phủ trong các nước thành viên cũng phải được tuân thủ nghiêm ngặt; sở hữu trí tuệ TPP đòi hỏi rất cao.

Trong thương mại, chúng ta có cơ hội xâm nhập vào các thị trường lớn mà trước đây sản phẩm Việt Nam xuất khẩu thường bị áp mức thuế tương đối cao như vào thị trường Mỹ, Nhật Bản. Có 2 ngành tôi muốn đề cập là: Chăn nuôi và dệt may. Đây là lĩnh vực tiêu biểu mang tính chất tương phản. Dệt may được kỳ vọng tăng thị phần xuất khẩu sang Mỹ, Bắc Mỹ, có thể là Nhật Bản (Theo các tổ chức quốc tế và cộng đồng chuyên gia trong và ngoài nước, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam năm 2020 có khả năng đạt trên 20 tỷ USD, riêng thị trường Mỹ chiếm tới 1/3 kim ngạch - PV). Còn chăn nuôi được xem là kém lợi thế so với một số nước thành viên TPP. Như vậy, sẽ có ngành mở rộng, có lĩnh vực bị thu hẹp lại. Vấn đề lao động trong ngành thu hẹp có được dịch chuyển sang mở rộng để đáp ứng nhu cầu lao động hay không?

Ông cho biết cụ thể những khó khăn của ngành chăn nuôi khi Việt Nam hội nhập sâu hơn kinh tế thế giới, đặc biệt là khi TPP có hiệu lực?

Ngành chăn nuôi Việt Nam có sức cạnh tranh thấp, đa phần là chăn nuôi sản xuất nhỏ lẻ, phụ thuộc phần lớn và việc nhập khẩu giống và thức ăn từ nước ngoài; tình trạng bệnh tật còn phổ biến; ý thức đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường chưa cao. Đây là hiện tượng điển hình trong khắp các phân ngành như chăn nuôi lợn, gà, đại gia súc, sữa và các sản phẩm sữa… Những đặc điểm này khiến năng suất và sản lượng của ngành chăn nuôi đều thấp, phụ thuộc ngày càng nhiều và nhập khẩu từ các nước TPP, đặc biệt là Mỹ, Australia, New Zealand, Canada.

Xét tổng thể, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với các sản phẩm giá rẻ trong khi người sản xuất phần lớn bị thiệt hại do không cạnh tranh được với các mặt hàng từ nước ngoài tràn vào như: Thịt bò từ Australia, thịt gà, thịt lợn từ Mỹ. Cùng với đó, mức giảm thu từ thuế nhập khẩu khiến cho phúc lợi ngành chăn nuôi sẽ giảm sau khi TPP có hiệu lực.

Để gỡ khó cho nông dân, chắc chắn phải tăng năng suất. Cách tăng bền vững nhất là dịch chuyển lao động từ ngành này sang các ngành phi nông nghiệp. Ví như sản xuất hàng hóa xuất khẩu; nâng cao trình độ của người dân và nâng cao công nghệ canh tác. TPP vốn bao hàm tiêu chuẩn môi trường rất cao nên tập quán làm nghề nông của người Việt Nam cũng cần thay đổi. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tiến hành doanh nghiệp hóa, thị trường hóa lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, để các doanh nghiệp vào tổ chức sản xuất và người nông dân phải tuân thủ những cách làm của những đơn vị này.

Với TPP, dù muốn dù không, ngành nông nghiệp cũng sẽ phải tự cơ cấu. Cần làm rõ cấu trúc thị trường dọc theo chuỗi cung ứng của các sản phẩm chăn nuôi để có các biện pháp chuẩn bị hội nhập chủ động và hiệu quả.

Thưa ông, TPP không chỉ tác động vào nền sản xuất, dịch vụ mà còn ảnh hưởng tới chính sách và nền tảng pháp lý của các quốc gia. Các nhà hoạch định của Việt Nam cần làm gì để phù hợp với sân chơi này?

Các nhà hoạch định chính sách Việt Nam cần nhìn thấy rõ những yêu cầu cải cách cho chính xã hội để Việt Nam có thể tham gia vào quá trình sản xuất toàn cầu và tận dụng tối đa lợi thế. Khi vào TPP, những điều kiện về nhập khẩu hàng hóa sẽ giảm nhiều nên Việt Nam có thể sẽ nhập nhiều hàng rất rẻ từ các nước khác, bao gồm nông sản từ Mỹ, New Zealand, Australia; những sản phẩm thuộc ngành công nghiệp ôtô, công nghiệp nặng hoặc điện tử từ Nhật Bản hoặc Mỹ. Việt Nam phải nhận thức, thừa nhận và thực hiện những cải cách để nâng cấp cách thức tổ chức sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm tốt, có tính cạnh tranh cao hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
M.Phương-P.Linh (thực hiện)
TPP: Thắng lợi cho ASEAN, thất bại của WTO?
TPP: Thắng lợi cho ASEAN, thất bại của WTO?

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ có những tác động nào ở mức độ khu vực và toàn cầu? Bên cạnh đó, gánh nặng giờ đây cũng đè nặng lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để tiếp tục chứng tỏ sự tồn tại hữu ích của mình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN