Thiếu cung, ảnh hưởng tiến độ
Tại công trường các dự án xây dựng cao tốc Bắc Nam như Phan Thiết-Dầu Giây, Phan Thiết-Vĩnh Hảo, cầu Mỹ Thuận 2, Mai Sơn-Quốc lộ (QL) 45 hay nâng cấp QL1, QL53... đại diện chủ đầu tư, nhà thầu thi công hiện nay đều cho biết, dự án đang trong tình trạng thi công cầm chừng vì khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng hoặc không tiếp cận được nguồn cung vì giá tăng cao từng ngày tại địa phương; thậm chí phải dừng thi công, gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ đặt ra.
Theo số liệu khảo sát thì tại các địa phương có dự án cao tốc Bắc Nam đi qua, các mỏ vật liệu đều đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu. Tuy nhiên, đến nay đã xuất hiện tình trạng thiếu hụt vật liệu, một số nơi vật liệu đội giá khiến nhà thầu hết sức khó khăn.
Ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT) cho biết, đơn vị đang quản lý dự án cao tốc Phan Thiết-Vĩnh Hảo, nhu cầu toàn dự án cần khoảng 8 triệu m3 vật liệu, trong khi các mỏ đã được cấp phép khai thác chỉ được khoảng hơn 1 triệu m3. Theo tính toán, thì thời gian hoàn thiện cấp phép khoảng từ 6 - 8 tháng/mỏ, nếu không có giải pháp căn cơ, dự án đứng trước nguy cơ bị chậm tiến độ.
Theo bà Vũ Thị Thanh Vân, đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long, chủ đầu tư hai dự án cao tốc Mai Sơn-QL45 và Phan Thiết-Dầu Giây, 2 dự án này đang cần khoảng 12 triệu m3 vật liệu. Tuy nhiên, quá trình triển khai, vật liệu đội giá lên nhiều so với thời điểm khảo sát.
Đại diện Ban Quản ltLDA đường Hồ Chí Minh cũng cho hay, Ban đang quản lý 2 dự án cao tốc Bắc Nam là Cam Lộ-La Sơn, Nha Trang-Cam Lâm, nhu cầu cần 7,3 triệu m3 vật liệu, trong đó, các mỏ đã có giấy phép đang khai thác cung cấp hơn 2,89 triệu m3, thiếu hơn 4,3 triệu m3.
Còn đại diện nhà thầu dự án nâng cấp QL53 (Trà Vinh) chia sẻ, dự án dự kiến cán đích trong quý II/2021, nhưng hiện đang phải dừng thi công các tuyến tránh còn lại vì không có nguồn vật liệu bổ sung hoặc giá mua tại địa phương quá cao so với thực tế, nếu chấp nhận sẽ bị đội giá đầu tư...
Trao đổi vấn đề này, ông Võ Hoàng Anh, đại diện Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI-Bộ GTVT) cho biết, nguyên nhân thiếu nguồn cung là do nhu cầu của các dự án xây dựng hạ tầng hiện nay đều lớn, thời gian gấp, trong khi tiến độ đắp nền, gia tải chỉ trong 3-4 tháng, tranh thủ mua khô, còn quy trình cấp phép mỏ tại các địa phương phải cần tới 6 tháng-1 năm. Tuy nhiên, việc thiếu chỉ là cục bộ chứ không phải diện rộng.
Trước vướng mắc về giá, nguồn cung vật liệu có thể ảnh hưởng tới tiến độ cao tốc Bắc Nam và sửa chữa QL, các chủ đầu tư, nhà thầu dự án giao thông đề nghị chính quyền các địa phương đứng ra làm trung gian tổ chức hiệp thương về giá giữa các bên. Trong đó, ngoài việc phân tích ý nghĩa chính trị của các công trình, cần đưa ra phương pháp tính giá đầu vào, mức lợi nhuận hợp lý cho các nhà cung cấp vật liệu. Trên cơ sở đó thống nhất đưa ra mức giá hợp lý mà các bên có thể chấp nhận được, phù hợp đúng với diễn biến thị trường.
Chính phủ can thiệp
Trước thực trạng trên, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị và giao Bộ GTVT phối hợp với các địa phương liên quan đánh giá và có giải pháp phù hợp trước tình trạng thiếu vật liệu xây dựng hạ tầng.
Theo ông Lê Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, Bộ GTVT đã làm việc với lãnh đạo các tỉnh nơi có dự án hạ tầng đi qua, đề nghị UBND các tỉnh ưu tiên tạo mọi điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các điều kiện, thủ tục còn thiếu cho các mỏ đã được cấp phép, nhưng chưa khai thác được, nâng công suất khai thác, gia hạn giấy phép mỏ để đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vật liệu phục vụ thi công dự án.
Bộ GTVT cũng đề nghị các địa phương chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương có liên quan thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về giá vật liệu xây dựng; có giải pháp, chế tài kịp thời và phù hợp để chống độc quyền, đầu cơ, tùy tiện nâng giá vật liệu xây dựng.
Phía các Ban Quản lý dự án giao thông, chủ đầu tư, Bộ GTVT đã yêu cầu chỉ đạo tư vấn tiếp tục khảo sát các khu vực lân cận tuyến để tìm kiếm các mỏ có đủ điều kiện về chất lượng, trữ lượng, thực hiện các thủ tục đảm bảo đủ điều kiện khai thác vật liệu đắp. Nghiên cứu tận dụng đối với vật liệu đào đổ thải theo hướng có thể nghiền và phối trộn để đạt tiêu chuẩn đắp nền.
Theo ông Thái Duy Sâm, Tổng Thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, để đẩy nhanh tiến độ cung cấp vật liệu cho các dự án hạ tầng, trước mắt nên đề nghị Chính phủ cho phép các địa phương để các chủ đầu tư, nhà thầu chủ động khai thác và đảm bảo tiến độ các dự án trọng điểm. Ngoài nguồn cung đất đá, có thể sử dụng các nguồn khác như dùng phế thải từ mỏ than, tro xỉ từ các nhà máy nhiệt điện, nguồn phế thải tháo dỡ từ các công trình xây dựng… nhằm tận dụng những nguồn thải này, vừa tiết kiệm vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường.