Doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam tăng cường hợp tác và đầu tư

Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc đã được tổ chức tại thủ đô Seoul ngày 24/6.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo VCCI, KCCI và đại diện doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI) phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sự kiện này, thu hút sự quan tâm của số lượng lớn các doanh nghiệp Hàn Quốc.  

Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công cùng đoàn lãnh đạo và doanh nghiệp hai tỉnh Hưng Yên và Quảng Ninh đã tham dự diễn đàn. Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng đã tham dự và chúc mừng sự kiện.   

Chú thích ảnh
Lãnh đạo KCCI phát biểu khai mạc Hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hiệp hội hợp tác kinh tế Hàn - Việt, ông Joo Si-bo hiện là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Posco International, nhấn mạnh sự cần thiết tổ chức các hoạt động xúc tiến hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam trong giai đoạn hậu COVID-19. Chủ tịch Joo cho biết các doanh nghiệp Hàn Quốc không coi Việt Nam là đối tác thương mại đơn thuần mà như một đối tác kinh tế tương hỗ, bổ sung cho nhau.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động, khủng hoảng chuỗi cung ứng, càng cần có sự phối hợp chặt chẽ của doanh nghiệp hai nước. Ông Joo đề xuất một số lĩnh vực hai nước cần chú trọng hợp tác trong thời gian tới bao gồm phòng chống và chăm sóc sức khỏe cộng đồng để đối phó với đại dịch; hợp tác phát triển thành phố thông minh, các lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số và phối hợp tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Hai nước cũng cần tăng cường hợp tác thúc đẩy các ngành công nghiệp xanh, giảm thiểu khí thải nhà kính để ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển cân bằng tạo việc làm bền vững.

Chú thích ảnh
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, phát biểu tại Hội nghị.

Tham gia phiên thảo luận chuyên đề, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết: Việt Nam có quy mô GDP lớn thứ 41 thế giới, quy mô xuất nhập khẩu lớn thứ 20 thế giới, có môi trường đầu tư, kinh doanh mở hàng đầu thế giới, với 17 Hiệp định thương mại tự do FTA đã được ký kết, trong đó có FTA Việt Nam - Hàn Quốc. Cùng với các lợi thế về ổn định chính trị; nguồn nhân lực dồi dào, có chất lượng; hạ tầng giao thông và chuyển đổi số đang nâng cấp rất nhanh, Việt Nam nổi lên như một địa chỉ hấp dẫn hàng đầu thế giới về thu hút đầu tư FDI. Đến nay đã có các doanh nghiệp đến từ 139 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư trên 420 tỷ USD vào Việt Nam.

Trong năm 2021, các tập đoàn Hàn Quốc đã gia tăng đáng kể nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam. VCCI là tổ chức quốc gia đại diện cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam. VCCI hiện có gần 200.000 doanh nghiệp hội viên gần 200 hiệp hội doanh nghiệp thành viên. Trong 30 năm qua, VCCI đã tích cực hợp tác với các đối tác Hàn Quốc, đặc biệt là KCCI  trong các chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư vào Việt Nam. VCCI là tổ chức đi đầu ở Việt Nam trong tham gia xây dựng pháp luật, môi trường chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, đầu tư, của doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.

Chú thích ảnh
Ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, kêu gọi xúc tiến đầu tư vào tỉnh Hưng Yên.

Ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, đã giới thiệu về cơ hội và tiềm năng của tỉnh Hưng Yên đến các doanh nghiệp của Hàn Quốc tham gia hội nghị. Ông Trần Quốc Văn cho biết: Hưng Yên nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm 7 tỉnh và thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc. Đây là trung tâm kinh tế năng động và là đầu tàu kinh tế của Việt Nam. Cùng với sự phát triển kinh tế của cả nước, Hưng Yên là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp, dịch vụ hóa, hiện đại hóa.

Không chỉ có vị trí giáp thủ đô Hà Nội, Hưng Yên còn có cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển và đồng bộ, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, lực lượng lao động dồi dào, đã qua đào tạo là điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Với nguồn lực sẵn có tại địa phương, với tư duy đổi mới, năng động sáng tạo Hưng Yên cam kết tạo điều kiện tốt để các nhà đầu tư phát triển sản xuất tại tỉnh.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Khánh Vân/TTXVN

Trong các phiên thảo luận, đại diện các doanh nghiệp hai nước đã trao đổi các tham luận về nội dung như Hợp tác kinh tế Hàn - Việt kỷ nguyên hậu COVID-19; Cơ hội đầu tư tại Việt Nam - những dấu mốc trong xây dựng chính sách pháp luật; Phát triển hạ tầng và đổi mới sáng tạo - động lực phát triển kinh tế Việt Nam... Trong các phát biểu, các diễn giả đều bày tỏ tin tưởng vào tiềm năng và động lực tăng trưởng kinh tế khả quan của Việt Nam sau đại dịch; đồng thời nêu lên xu hướng mới của doanh nghiệp Hàn Quốc trong giai đoạn cách mạng công nghệ 4.0 và kinh tế số.

Theo đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ tăng dần tỷ trọng công nghệ sáng tạo thông qua đầu tư kỹ thuật, công nghệ hiện đại, giảm dần tỷ lệ sử dụng nhiều lao động. Hội nghị cũng đề xuất thêm các hướng hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, hợp tác trong xây dựng chuỗi cung ứng, phát triển công nghệ thân thiện với môi trường, giảm thiểu tác động của biển đổi khí hậu...

Tin, ảnh: Khánh Vân (PV TTXVN tại Seoul)
Kế hoạch mở các tuyến xe buýt kết nối Thái Lan - Lào - Việt Nam
Kế hoạch mở các tuyến xe buýt kết nối Thái Lan - Lào - Việt Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trang mạng laotiantimes.com ngày 23/6 đưa tin Thái Lan đang thảo luận với Lào và Việt Nam về việc mở các tuyến xe buýt mới kết nối các điểm đến nổi tiếng của 3 nước này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN