Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa ký ban hành Quyết định số 3610a/QĐ-BCT về phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương giai đoạn 2017 - 2018.
Theo đó, Bộ Công Thương sẽ cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh, chiếm khoảng 55,5% tổng số điều kiện kinh doanh của 27 nhóm ngành hàng. Sau khi cắt giảm, số điều kiện kinh doanh trong ngành công thương còn lại là 541.
Có 5/43 điều kiện kinh doanh xăng dầu được Bộ Công Thương cắt giảm lần này. Ảnh: TTXVN |
Đón nhận thông tin này, các doanh nghiệp tỏ ra rất hứng khởi. Ông Vũ Hùng Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại điện tử Thạch Sanh cho biết, việc "cởi trói" sẽ giúp các doanh nghiệp trong ngành kinh doanh thuận lợi hơn. Theo đó, thiết lập website thương mại điện tử bán hàng được bỏ điều kiện "phải có website với tên miền hợp lệ và tuân thủ các quy định về quản lý thông tin trên Internet" khi đã thỏa mãn các điều kiện: Là thương nhân, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ phù hợp hoặc cá nhân đã được cấp mã số thuế cá nhân; Đã thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng theo quy định tại Điều 53 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP.
Trước đây, hơn 1.000 điều kiện kinh doanh ở các ngành hàng của Bộ Công Thương đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp, khiến môi trường kinh doanh thiếu minh bạch và cạnh tranh.
Theo các chuyên gia kinh tế, nhiều điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực xăng dầu, khí, thực phẩm, điện, nhượng quyền thương mại, logistic... không có tác dụng gì phục vụ quản lý nhà nước, như là kinh doanh khí gas thì phải có bao nhiêu chai, có kho dung tích mấy trăm khối, doanh nghiệp logistic phải có phòng ban này, nhân viên nọ... Đó không phải là trách nhiệm quản lý nhà nước mà là việc của thị trường. Do đó, việc cắt giảm những điều kiện kinh doanh này của Bộ Công Thương sẽ giúp quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp được gia tăng; quy mô, cường độ cạnh tranh cũng được mở rộng, tạo động lực giải phóng sức sản xuất.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đây là tín hiệu tích cực, một sự chuyển biến được nhiều doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp đón nhận. Việc công bố này là điểm tích cực, công khai định hướng sửa đổi của Bộ Công Thương để doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người dân có thể giám sát.
"Tuy nhiên, cũng phải lưu ý đây mới là đề xuất của Bộ Công Thương, còn hầu hết các điều kiện kinh doanh đều được quy định ở Nghị định. Nghị định do Chính phủ quy định, Bộ Công Thương không có thẩm quyền trong vấn đề này nên cần chờ thời gian sửa đổi. Tôi hi vọng Bộ Công Thương sẽ bảo vệ được quan điểm này trong quá trình sửa đổi và hi vọng đây không phải là kế hoạch treo", ông Tuấn bày tỏ.
Còn theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, cần nhìn nhận nguyên nhân sâu xa tại sao lại sinh ra các điều kiện kinh doanh đó để không lặp lại việc cắt giảm điều kiện kinh doanh này lại mọc thêm ra các điều kiện, giấy phép con khác.
Bên cạnh đó, một số điều kiện kinh doanh khiến doanh nghiệp kêu than thời gian qua vẫn chưa có trong danh mục cắt giảm lần này. Chẳng hạn như trong lĩnh vực xuất khẩu gạo.
Một số doanh nghiệp tư nhân như Cỏ May (Đồng Tháp), Viễn Phú (Cà Mau) là những doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mặt hàng gạo đặc sản, hữu cơ với số lượng nhỏ, nhu cầu và khả năng đầu tư xây dựng kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo còn hạn chế. Trong khi theo quy định hiện nay, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải có ít nhất 1 kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn thóc và có ít nhất 1 cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ.
Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tiếp tục kiến nghị bãi bỏ điều kiện kinh doanh được quy định tại Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Trước lần cắt giảm này, vào tháng 10/2016, Bộ Công Thương đã tiến hành một đợt cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính theo quyết định số 4846: bãi bỏ 15 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 108 thủ tục hành chính trong tổng số 443 thủ tục. Trong văn bản trình Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cắt bỏ hơn 2.000 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của nhiều Bộ ngành, trong đó Bộ Công Thương chiếm số lượng nhiều nhất.