Điều này gây ra những khó khăn trong hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, ảnh hưởng đời sống, việc làm của hàng chục nghìn lao động. Để ngăn chặn, hạn chế dịch COVID-19 lây lan trong các khu công nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã chủ động các phương án phòng chống dịch.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam cho hay, doanh nghiệp có một số đầu mối cung ứng hàng tại Bắc Ninh để phục vụ sản xuất. Việc các khu công nghiệp tại tỉnh này phải tạm dừng hoạt động khiến cho giao thương hàng hóa gặp khó khăn, ít nhất là trong khoảng 20 ngày tới.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Vật liệu Tầm Nhìn Việt, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp là nơi tập trung lượng lớn người lao động. Việc bùng phát dịch tại các khu vực này thời gian qua sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ cho các doanh nghiệp. Trước mắt, các doanh nghiệp sẽ phải dừng sản xuất, chậm tiến độ giao hàng...; người lao động phải nghỉ việc tạm thời, cách ly...
Chính vì vậy, việc phòng dịch trong nội tại mỗi doanh nghiệp ở khu công nghiệp, khu chế xuất là rất quan trọng. Công ty Tầm Nhìn Việt cũng đang thực hiện nghiêm túc việc này, như khai báo y tế hàng ngày, đeo khẩu trang, sát khuẩn, vệ sinh nơi làm việc.... Đặc biệt, thường xuyên phối hợp với Ban quản lý khu công nghiệp để phổ biến cho người lao động chống dịch, kiểm tra y tế....
Dệt may là một trong những ngành có nhiều lao động sản xuất, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, với các khu công nghiệp mà có doanh nghiệp ngành dệt may, hiệp hội cũng đã có cảnh báo và các doanh nghiệp cũng chủ động trong kiểm soát dịch COVID-19, đặc biệt là với người lao động trong khác khu công nghiệp. Ở đây có 3 vấn đề cần chủ động là: kiểm soát khai báo y tế, triển khai các bước về phòng dịch trong nội tại các doanh nghiệp. Cuối cùng là xây dựng kịch bản để vừa sản xuất kinh doanh nhưng vừa đảm bảo phòng dịch tốt nhất.
Thách thức của ngành dệt may là từ nay đến cuối năm, diễn biến của dịch COVID-19 vẫn phức tạp. Ngành dệt may Việt Nam cũng đã có công văn gửi Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện nhập vaccine tiêm cho người lao động trong ngành, sử dụng bằng nguồn lực doanh nghiệp tự chi trả và các chi phí nhập khẩu khác, để sớm ổn định sản xuất đến cuối năm nay.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt lao động do đại dịch COVID-19. Trước đây, không có đơn hàng, một số doanh nghiệp phải giãn, dừng sản xuất khiến lao động mất hoặc bỏ việc do thu nhập không bảo đảm cuộc sống. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, lượng đơn hàng dồi dào, sản xuất đã sôi động trở lại thì doanh nghiệp lại không tuyển đủ lao động. Ngành dệt may sẽ nỗ lực để mục tiêu năm nay 2021 xuất khẩu khoảng từ 39-40 tỷ USD.
Ở ngành thép, Tập đoàn Hòa Phát với hơn 25.000 người lao động cũng đang nỗ lực triển khai các biện pháp chống dịch. Theo đó, tại các tòa nhà văn phòng, nhà máy, trang trại công ty thành viên của Tập đoàn Hòa Phát trên toàn quốc đã triển khai kiểm tra thân nhiệt tất cả cán bộ công nhan viên, khách khi ra vào cổng, phun thuốc khử trùng, thực hiện đeo khẩu trang tại nơi làm việc…. Các công ty cũng hạn chế tối đa các cuộc họp, các công việc tập trung đông người. Trường hợp bắt buộc phải yêu cầu thành viên tham dự cuộc họp đeo khẩu trang, thực hiện rửa tay sát khuẩn đúng quy trình trước khi vào phòng họp.
Để thực hiện phòng chống dịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng vừa có công văn gửi Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Theo đó, Bộ này yêu cầu Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất trên địa bàn nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 đối với các doanh nghiệp, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất.
Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất rà soát chặt chẽ hoạt động nhập cảnh của các lao động, chuyên gia làm việc trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế để ngăn ngừa, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp lao động nhập cảnh trái phép, người nước ngoài cư trú trái phép trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất; đồng thời, tuân thủ triệt để quy định về cách ly, theo dõi sức khỏe sau cách ly tập trung bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch.
Cùng với đó, Bộ yêu cầu các doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; đồng thời, xây dựng và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong nội bộ doanh nghiệp.
Ngoài ra, chủ động, liên tục rà soát, liên hệ với các cơ sở xét nghiệm được Bộ Y tế cấp phép để lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp có nguy cơ cao; định kỳ tổ chức lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên cho người lao động làm việc tại doanh nghiệp; kịp thời phát hiện và báo cáo với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tại địa phương những nguy cơ dịch bệnh xuất hiện tại doanh nghiệp để có biện pháp xử lý kịp thời.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, cả nước đã có 392 khu công nghiệp được thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng diện tích 119,9 nghìn ha; 26 khu kinh tế cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biên giới đất liền với tổng diện tích khoảng 766 nghìn ha và 18 khu kinh tế ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực ven biển với tổng diện tích mặt đất và mặt nước gần 853 nghìn ha. Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất là nơi tập trung nhiều lao động, nếu không có các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 quyết liệt thì rất dễ hình thành các ổ dịch lớn, nguy cơ lây nhiễm chéo cao.