Theo đó, có 18 lượt ý kiến, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp được ghi nhận, trả lời và giải quyết. Trong đó có 08 ý kiến vượt thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành và 10 ý kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành tỉnh. các cội dung tập trung vào các lĩnh vực: chính sách hỗ trợ về nông nghiệp, tiếp cận vốn vay; chứng nhận quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư, quy hoạch đất đai; tài nguyên và môi trường; kích cầu du lịch, cơ sở hạ tầng du lịch, rác thải...
Theo lãnh đạo Công ty Nông Lâm nghiệp Kiên Giang, sản xuất lúa là thế mạnh của công ty, tuy nhiên thời gian qua công ty chưa đầu tư được vùng chuyên canh chất lượng cao để làm gia tăng giá trị sản phẩm; cơ sở vật chất, nguồn vốn chưa đáp ứng được đầy đủ nhu cầu cung ứng các dịch vụ nông nghiệp cũng như bao tiêu sản phẩm cho nông trường viên; sản xuất chưa gắn liền với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nên lệ thuộc vào các doanh nghiệp thu mua chế biến bên ngoài dẫn đến bị ép giá và bị động trong khâu tiêu thụ.
Nhà máy sản xuất kinh doanh phân hữu cơ là một công trình đầu tư trọng điểm mang tính chiến lược của công ty, phù hợp với xu hướng phát triển nông nghiệp sạch và bền vững, nhưng sau nhiều năm hoạt động vẫn chưa được đầu tư nâng cấp đúng mức.
Vì vậy, công ty đề nghị các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang tạo điều kiện thuận lợi nhất để công ty tiếp cận các chính sách của nhà nước hỗ trợ về lĩnh vực nông lâm nghiệp. Đồng thời, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước ở Kiên Giang hỗ trợ công ty được tiếp cận các nguồn vốn vay từ các ngân hàng.
Liên quan đến vấn đề công ty đặt ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Kiên Giang đã giải đáp những thắc mắc, trả lời kiến nghị và có những hướng dẫn cụ thể đến lãnh đạo Công ty Nông Lâm nghiệp Kiên Giang.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bãi Trường Việt Nam, công ty gặp khó khăn liên quan đến việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch phân khu 1/2000 khu phức hợp Bãi Trường, nên đề nghị Ủy ban nhân dân Kiên Giang chỉ đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc sớm điều chỉnh quy hoạch tạo điều kiện cho nhà đầu tư triển khai dự án đúng tiến độ.
Trả lời vấn đề trên, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc cho rằng, Dự án khu phức hợp Thương mại Du lịch - Dịch vụ - Du lịch - Khách sạn Việt Nam Phú Quốc thuộc khu phức hợp Bãi Trường tại xã Dương Tơ, thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang có quy mô 12,85ha do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển triển Bãi trường Việt Nam đầu tư.
Tiến độ thực hiện dự án đã hoàn thành các thủ tục đầu tư và được cấp phép xây dựng vào ngày 10/1/2022. Tuy nhiên đến ngày 16/9/2022 Công ty nộp hồ sơ đề nghị Ban Quản lý Khu Kinh tế Phú Quốc cho phép điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án khu phức hợp Thương mại Du lịch - Dịch vụ - Du lịch - Khách sạn Việt nam Phú Quốc.
Ban Quản lý đã tổ chức cuộc họp Hội đồng Thẩm định nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án nêu trên vào ngày 13/10/2022. Đến thời điểm hiện tại Đồ án Quy hoạch chung xây dựng thành phố Phú Quốc đến năm 2040 đang được Bộ Xây dựng thẩm định trình Chính phủ phê duyệt.
Do đó, sau khi Đồ án Quy hoạch chung xây dựng thành phố Phú Quốc đến năm 2040 được phê duyệt. Ban Quản lý sẽ đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 khu phức hợp Bãi Trường để có cơ sở thẩm định, phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án khu phức hợp Thương mại Du lịch - Dịch vụ - Du lịch - Khách sạn Việt Nam Phú Quốc.
Một số doanh nghiệp, nhà đầu tư tại thành phố Phú Quốc kiến nghị các ngành, đơn vị hữu quan có chính sách bình ổn giá vé máy bay và mở thêm các đường bay quốc tế đến Phú Quốc; cần có chính sách hỗ trợ để bình ổn giá vé máy bay và mở thêm nhiều tuyến bay quốc tế từ các thị trường tiềm năng đến với Phú Quốc; kiến nghị thành phố Phú Quốc cần có các chương trình, chiến dịch đào tạo về cách làm du lịch cho người dân địa phương để cung cấp chất lượng dịch vụ tương xứng với giá khách hàng phải trả; có giải pháp khắc phục tình trạng “chặt chém khác du lịch”.
Trả lời kiến nghị trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành cho rằng, tỉnh đã có buổi làm việc, trao đổi với ngành, đơn vị liên quan. Tuy nhiên, đề xuất hỗ trợ bình ổn giá vé máy bay hoặc giảm giá vé máy bay rất khó thực hiện, bởi giá vé các hãng hàng không đang áp dụng đã thấp hơn so với quy định.
Về đề nghị mở thêm các đường bay quốc tế mới, Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông vận tải báo cáo và tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đàm phán với các quốc gia trên để mở thêm các chuyến bay quốc tế trực tiếp đến và đi từ thành phố Phú Quốc.
Liên quan đến vấn đề về du lịch ở Phú Quốc, Sở Du lịch Kiên Giang cho biết, đơn vị phối hợp với các sở, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân thành phố Phú Quốc và các cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, hướng dẫn cách làm du lịch cho các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh doanh dịch vụ du lịch, nhất là các quy định có liên quan đến giá cả hàng hóa, dịch vụ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành.
Để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố định kỳ hàng tháng thực hiện tốt việc sắp xếp thời gian gặp gỡ với doanh nghiệp; hàng quý phải tổ chức đối thoại với doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời có biện pháp xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Thường xuyên rà soát các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền quản lý có liên quan đến người dân và doanh nghiệp để có biện pháp xử lý, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nghiên cứu áp dụng các cơ chế có lợi cho doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng và những điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Các cơ quan Thuế, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ, miễn giảm thuế, phí; gia hạn, miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo chủ trương của Chính phủ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển.
Các hội, hiệp hội cần phát huy hơn nữa vai trò kết nối hỗ trợ các doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn thích ứng với tình hình mới; các doanh nghiệp cần chủ động đổi mới mô hình sản xuất; mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ở khu vực và thế giới.
“Đối với các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền, tôi yêu cầu các Sở, ngành, địa phương phải khẩn trương tổ chức thực hiện, phải có văn bản trả lời cho doanh nghiệp; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền và cũng phải có văn bản trả lời cho doanh nghiệp biết. Đối với các kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền của tỉnh thì ghi nhận, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền xử lý”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành nhấn mạnh.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, tốc độ tăng trưởng (GRDP) của tỉnh 9 tháng năm 2023 đạt 5,64% so với kế hoạch, đứng thứ 6/13 tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục khởi sắc, luỹ kế 9 tháng, có 1.136 doanh nghiệp thành lập mới, có 370 doanh nghiệp hoạt động trở lại. Tính đến nay Kiên Giang có gần 12.400 doanh nghiệp đang hoạt động, với số vốn đăng ký trên 205 nghìn tỷ đồng.