Để vượt qua những thách thức này và biến cơ hội thành hiệu quả thành công, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đẩy mạnh liên kết, thay đổi quy mô sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của mỗi sản phẩm hàng hóa. Đặc biệt, các doanh nghiệp, làng nghề cần hướng tới nhu cầu của thị trường châu Âu. Đó là sản phẩm thân thiện môi trường, một hướng đi tất yếu rất cần để các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam có mặt tại EU.
Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của cơ quan Nhà nước là yếu tố quan trọng giúp kiến tạo sức sống mới cho làng nghề, đem đến diện mạo mới, sức sống mới cho làng nghề trong bối cảnh hội nhập sâu và rộng với thế giới.
Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề Hà Nội muốn tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức phải hướng tới sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, phù hợp với tiêu dùng trách nhiệm của thị trường EU. Phát triển du lịch làng nghề - nơi mà khách du lịch EU đến để trải nghiệm và cảm nhận văn hóa cũng là giải pháp rất quan trọng. Đây sẽ là cầu kết nối thông tin thương mại quan trọng với các doanh nghiệp tại thị trường này.
"Không có gì truyền tải thông tin sản phẩm tốt bằng việc thật và truyền miệng", ông Thủy đánh giá.
Đồng quan điểm này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, vai trò của các tham tán thương mại trong việc tìm hiểu thông tin thị trường, mẫu mã, giá cả, thị hiếu của người tiêu dùng EU, đưa ra khuyến nghị tốt nhất cho các doanh nghiệp làng nghề Việt để họ có sự thay đổi phù hợp. Đây là những yếu điểm của các làng nghề hiện nay.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý Nhà nước cần có quy hoạch làng nghề, thúc đẩy các hộ sản xuất làng nghề vào các khu, cụm công nghiệp tập trung. Việc này góp phần xử lý tốt vấn đề môi trường. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với doanh nghiệp, làng nghề cần đến đúng người, giải quyết đúng việc.
Đối với doanh nghiệp cần tự xem xét việc đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt, doanh nghiệp phải làm ngay việc liên kết ngang và dọc đối với cùng một sản phẩm trong ngành nghề. Sự hợp tác sẽ tạo tiếng nói chung với cơ quan chức năng, với bạn hàng, giảm thiểu chi phí tiếp cận thị trường.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, để đối phó với vấn đề ô nhiễm môi trường buộc các làng nghề phải tự đổi mới công nghệ, tư duy quản trị doanh nghiệp và xây dựng thương hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì... Để khắc phục vấn đề này, Sở Công Thương Hà Nội đã lập và triển khai Đề án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2014 - 2015.
Qua đó, có thêm 18 cụm công nghiệp hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Đồng thời, xây dựng "Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 - 2023", dự kiến tổng kinh phí thực hiện hơn 4.075 tỷ đồng; trong đó, đề xuất hỗ trợ kinh phí hoàn thiện hạ tầng hệ thống xử lý nước thải, bãi tập kết chất thải rắn, hệ thống giao thông nội bộ, tường rào cụm công nghiệp, nhà điều hành… cho 56 cụm công nghiệp do Ban quản lý dự án cấp huyện làm chủ đầu tư hơn 1.562 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, UBND thành phố Hà Nội cũng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thành phố Hà Nội đến năm 2020, có xét đến năm 2030 với 159 cụm công nghiệp với tổng diện tích khoảng 3.204 ha.
Khi các cụm công nghiệp đi vào hoạt động sẽ thu hút doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề đang cần mặt bằng phát triển sản xuất, không phải mở rộng đầu tư sang các tỉnh lân cận hoặc bó hẹp sản xuất trong khuôn khổ hiện tại. Việc có thêm nhiều cụm công nghiệp mới ra đời cũng sẽ giải được bài toán môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề vượt qua thách thức và là bệ phóng quan trọng để hội nhập thành công.