Doanh nghiệp ‘ngóng’ giảm điều kiện vay vốn, ngân hàng lo nợ xấu

Không chỉ tiếp tục kiến nghị giảm lãi, nhiều doanh nghiệp đang mong các ngân hàng xem xét giảm một số điều kiện vay vốn và tăng tối đa tỷ lệ vay tín chấp. 

Tiếp tục giảm lãi, hỗ trợ phí cho doanh nghiệp

Chú thích ảnh
Chế biến cá tra phi lê xuất khẩu ở nhà máy của Công ty CP xuất nhập khẩu Cửu Long An Giang. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Đại diện VietinBank ngày 25/8 cho biết: Để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp xuất nhập khẩu (XNK), VietinBank tiếp tục gia tăng ưu đãi dành cho cộng đồng khách hàng từ nay đến hết 31/7/2024.

Theo đó, VietinBank miễn giảm đến 100% nhiều loại phí cho doanh nghiệp XNK nếu chuyển tiền ngoại tệ trong hệ thống, ký hậu vận đơn/phát hành ủy quyền nhận hàng, phát hành bảo lãnh nhận hàng, gửi nhờ thu, hủy, sửa đổi, điều chỉnh nhờ thu, quản lý bộ chứng từ nhờ thu, thông báo thư tín dụng, thông báo sửa đổi, dịch vụ Trade Portal…

VietinBank còn giảm đến 50% chuyển khoản ngoại tệ ngoài hệ thống, các phí khác của dịch vụ tài trợ thương mại (TTTM) - dịch vụ nhập khẩu/xuất khẩu; ưu đãi gói dịch vụ tài khoản và dịch vụ VietinBank eFAST. 

“Ngoài ra, doanh nghiệp XNK được ưu đãi tới 100 điểm USD, 170 điểm EUR và 120 điểm cơ bản đối với JPY khi mua bán ngoại tệ tại quầy và trên kênh VietinBank eFAST. Để hỗ trợ doanh nghiệp XNK giảm thiểu rủi ro trong quá trình vận chuyển hàng hóa, VietinBank còn giảm đến 62,5% phí bảo hiểm hàng hóa vận chuyển”, đại diện VietinBank cho biết. 

Chú thích ảnh
Agribank đang triển khai Chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước.

Ngân hàng Agribank vừa dành hơn 60.000 tỷ đồng triển khai đồng bộ nhiều chương trình tín dụng ưu đãi đối với DNN&V nhằm bổ sung vốn lưu động thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh của khách hàng. Lãi suất ưu đãi của chương trình giảm đến 0,7%/năm so với sàn lãi suất cho vay thông thường, tùy theo từng kỳ hạn. Trong đó, ưu tiên các lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy hải sản, nghề muối, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Chương trình kéo dài đến hết ngày 31/12/2023 hoặc đến khi hết ngân sách của chương trình. 

Ông Đinh Ngọc Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Khối Khách hàng Doanh nghiệp (KHDN) SHB cho biết: Ngân hàng đang triển khai chương trình tín dụng với tổng quy mô lên đến 6.000 tỷ đồng dành cho khách hàng doanh nghiệp 2023 - 2024 có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh với ưu đãi giảm lãi suất đến 2%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.

Bên cạnh đó là sản phẩm cho vay gián tiếp nguồn vốn từ Quỹ phát triển DNN&V với lãi suất ưu đãi 2,16%/năm đối với vay ngắn hạn và 4,0%/năm đối với vay trung - dài hạn; sản phẩm tài trợ DNN&V do phụ nữ làm chủ, là chương trình ưu đãi đặc biệt hỗ trợ các doanh nghiệp nữ làm chủ phục hồi và ổn định sản xuất kinh doanh sau ảnh hưởng bởi COVID-19.

Ngoài ra, SHB hỗ trợ 6 tháng lãi vay lên đến 10 nghìn USD đối với các doanh nghiệp có khoản vay cơ cấu lại thời hạn trả nợ; hỗ trợ 100% phí cam kết rút vốn, lên đến 10 nghìn USD đối với doanh nghiệp vay mới.  

“Với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay, SHB đã thiết kế các sản phẩm mới, cải tiến các sản phẩm hiện hữu phù hợp với từng ngành nghề, từng nhóm khách hàng với các tính năng nổi trội”, ông Đinh Ngọc Dũng cho biết. Phía SHB đang tiếp tục rà soát và sửa đổi quy trình thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt khoản vay; đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số. 

Khó vay do không đáp ứng đủ các điều kiện của ngân hàng

Dù lãi suất đã giảm song trên thực tế khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, đặc biệt vẫn là các DNN&V vẫn là một thách thức không hề nhỏ.

Chú thích ảnh
Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội, bà Đặng Thị Hương.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội, bà Đặng Thị Hương, DNN&V được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên được áp dụng chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn, khác. Song, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế bị suy giảm, dẫn tới việc các ngân hàng khó giải ngân tín dụng… 

Lý giải nguyên nhân này, tại Diễn đàn kết nối "Các giải pháp Vốn - Tín dụng" mới đây tại Hà Nội, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội (Hanoisme) cho biết: Nguyên nhân lớn nhất hiện nay các doanh nghiệp thiếu đơn hàng để sản xuất, trong khi chi phí sản xuất tăng cao khiến hiệu quả hoạt động suy giảm. 

“Nguồn lực của doanh nghiệp bị cạn kiệt dẫn tới việc các doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng và ngân hàng cũng không thể tự ý hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định, điều kiện cho vay mà vẫn phải theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quản trị rủi ro, an toàn hệ thống”, ông Mạc Quốc Anh cho biết.

Chú thích ảnh
Ông Đinh Ngọc Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Khối khách hàng Doanh nghiệp (KHDN) - Ngân hàng SHB

 

Chú thích ảnh
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, ông Mạc Quốc Anh.

Ngoài ra, các DNN&V thường hoạt động đơn lẻ, khi xây dựng phương án kinh doanh chưa chứng minh được cơ sở, tính khả thi của phương án. Nên khi gửi hồ sơ cho ngân hàng thì rất khó đánh giá để cho vay, nhất là những doanh nghiệp thiếu tài sản đảm bảo. Theo ông Mạc Quốc Anh, trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp rất mong muốn cắt giảm điều kiện vay vốn và tăng tối đa tỷ lệ vay tín chấp. Hiện tỷ lệ vay tín chấp chỉ chiếm 15 - 20%, doanh nghiệp mong muốn được vay tín chấp đến 35%, phần còn lại là tài sản bảo đảm.

"Về điều kiện cho vay, ngân hàng có thể giảm bớt đến 50% số điều kiện cho vay, chỉ giữ lại những điều kiện cho vay cơ bản. Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn vay được vốn ngân hàng, cần phải cung cấp hồ sơ, lịch sử thanh toán, công nợ, có đối tác uy tín hợp tác lâu dài thì sẽ được ưu tiên," ông Mạc Quốc Anh đề xuât.

Chú thích ảnh
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Đào Minh Tú.

Thời gian qua ngành Ngân hàng đã có nhiều nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp; các ngân hàng thương mại đã tích cực giảm lãi suất cho vay, tiết giảm chi phí, có tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cũng phải thừa nhận: Chưa bao giờ điều hành chính sách tiền tệ khó khăn như hiện nay. Trong khi các nước vẫn đang thắt chặt tiền tệ thì Việt Nam giảm lãi suất, nới lỏng tiền tệ. Đến nay nhiều khoản nợ được giãn - hoãn từ COVID-19 vẫn chưa tất toán, lại phải tiếp tục giãn hoãn cho nhiều khoản nợ khác. Trong bối cảnh hiện nay, khó khăn còn kéo dài và không ai nói trước được sẽ kéo dài bao lâu, cần sự đồng bộ, thực thi trong quá trình triển khai chính sách”.

Bối cảnh hiện nay, theo Phó Thống đốc, nếu không tạo điều kiện cho tín dụng thì sẽ khó có tăng trưởng. Song, nếu ‘tháo’ điều kiện tín dụng thì nợ xấu lại tăng, khiến ‘cục máu đông’ nợ xấu vừa mới tạm thời được xử lý lại quay trở lại. Nếu nợ xấu tăng, chúng ta lại rơi vào vòng luẩn quẩn, tạo ra ách tắc vốn cho nền kinh tế.

Phó Thống đốc trăn trở: Hoạt động ngân hàng không thể lỗ, nếu ngân hàng lỗ sẽ dẫn đến đổ vỡ, kéo theo cả hệ thống khó khăn. “Ngân hàng rất khác với doanh nghiệp. Không chỉ Việt Nam mà các nước cũng vậy”, ông Đào Minh Tú Tú nhấn mạnh.

Minh Phương/Báo Tin tức
Hiến kế hồi phục 'sức khỏe' cho doanh nghiệp
Hiến kế hồi phục 'sức khỏe' cho doanh nghiệp

Thách thức lớn nhất hiện nay của cộng đồng doanh nghiệp là cầu tiêu dùng vẫn yếu; dòng tiền và thủ tục hành chính giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp còn nhiều rào cản; khó tiếp cận vốn tín dụng; phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chào bán chứng khoán còn nhiều khó khăn...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN