Doanh nghiệp vận tải cân nhắc tăng giá

Việc giá xăng tăng thêm 1.430 đồng/lít, dầu điêden tăng 362 đồng/lít khiến giới kinh doanh vận tải lao đao. Tăng giá cước là điều khó tránh khỏi nhưng quyết định này vẫn đang được các doanh nghiệp (DN) vận tải cân nhắc. Tuy nhiên, một số đơn vị đã mạnh dạn khẳng định sẽ không tăng giá cước trong thời điểm hiện nay để thu hút thêm khách hàng.

Rà soát lại chi phí rồi mới tính


Đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội cho hay, dự kiến giá cước phải tăng thêm từ 600 - 1.000 đồng/km mới bù đắp được phần nào mức tăng của giá xăng vừa qua. Giá xăng dầu tăng chắc chắn sẽ khiến giới kinh doanh taxi lao đao, nhất là trong thời buổi kinh doanh ảm đạm như hiện nay. Trong 3 tháng đầu năm, lượng khách đi taxi đã giảm 40% so với năm ngoái.

Nhiều hãng taxi phải trợ cấp tiền mặt hoặc tăng phần trăm lợi nhuận cho lái xe do giá xăng tăng. Ảnh: Lê Phú


Theo tìm hiểu của phóng viên Tin tức, trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, nhiều hãng taxi dù rất muốn tăng giá nhưng vẫn phải cố ghìm hoặc đang “nhìn nhau” để điều chỉnh vì sợ mất khách.


Chiều 31/3, chia sẻ với phóng viên Tin tức, ông Đinh Quang Sáu, Chủ tịch HĐQT hãng taxi Hương Lúa cho biết: Trong tuần tới, hãng sẽ tính toán và cân đối lại chi phí xem mức độ ảnh hưởng của việc tăng giá xăng dầu ra sao, rồi mới tính đến việc tăng giá cước và tăng bao nhiêu cho hợp lý. “Hiện nay, giá cước ban đầu của taxi Hương Lúa là 9.200 đồng/km, thấp hơn một số hãng 800 đồng/km”, ông Sáu nói. Đề cập tới phương án dự phòng bù lỗ của công ty khi giá xăng dầu tăng mà chưa thể tăng cước phí, đại diện taxi Hương Lúa cho rằng: Kinh doanh lĩnh vực taxi ngày càng khó khăn. Hiện nay, công ty đang phải bù đắp lợi nhuận kinh doanh từ lĩnh vực khác cho hoạt động taxi.


Giám đốc hãng taxi Thanh Nga - ông Lương Quốc Vy - chia sẻ: “Vì giá xăng dầu mới tăng được vài ngày nên công ty chưa tính toán xem mức độ ảnh hưởng cụ thể ra sao? Phương án tăng hay giữ nguyên giá cũng chưa được doanh nghiệp bàn tới”.


Theo Hiệp hội taxi Hà Nội, tăng giá cước là điều không DN nào mong muốn vì sẽ mất đi một lượng lớn khách hàng; nhưng điều này là khó tránh khỏi do giá cước hiện nay không đủ bù chi phí hoạt động của DN. Trước khi có giá cước mới, các hãng taxi sẽ phải trợ cấp trực tiếp cho lái xe vì theo tính toán, giá xăng tăng sẽ khiến mỗi lái xe mất thêm từ 900.000- 1,5 triệu đồng tiền xăng/tháng. Đây là khoản tiền lớn so với thu nhập của tài xế. DN sẽ thực hiện trợ cấp bằng tiền mặt hoặc tăng phần trăm lợi nhuận mỗi đầu xe. Trước mắt, Hiệp hội đề xuất 3 giải pháp: Các DN trợ giá cho lái xe 30.000 đồng - 50.000 đồng/ngày hoặc tăng mức chiết khấu phần trăm doanh thu thêm từ 3% đến 5% cho mỗi lái xe bắt đầu từ hôm nay (1/4).


Ông Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Đa số các DN vận tải hàng hóa đều sử dụng nhiên liệu là dầu điêden và giá nhiên liệu chiếm 45% tổng chi phí hoạt động nên giá dầu tăng 362 đồng/lít sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành vận tải. Hiện các DN vận tải trên địa bàn thành phố chưa điều chỉnh giá cước, nhưng trong thời gian tới họ sẽ tính toán lại giá cước cho phù hợp. Việc điều chỉnh giá sẽ phụ thuộc vào từng doanh nghiệp; theo đó, mỗi doanh nghiệp sẽ có mức điều chỉnh phù hợp với điều kiện DN mình”.

Chưa tăng giá để hút khách


Trong khi nhiều doanh nghiệp đang “nhìn nhau” và rất thận trọng trong việc đưa ra giá cước mới thì không ít doanh nghiệp khẳng định không tăng giá cước để thu hút khách.


 Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TP Hồ Chí Minh cho hay: “Đáng lý ra, tới thời điểm này, DN taxi phải tăng giá cước thêm 1.000 đồng/km thì mới có được mức lãi như cuối năm 2012 vì giá xăng tăng và từ đầu năm nay họ phải nộp phí bảo trì đường bộ trên đầu phương tiện. Tuy nhiên, hiện các DN taxi thuộc Hiệp hội đã thống nhất không tăng giá cước trong đợt này nhằm thu hút hành khách”.


Theo đó, đối với hãng taxi Vinasun, bên cạnh việc không tăng giá cước, hãng còn hỗ trợ một phần chi phí chênh lệch giá xăng cho tất cả tài xế taxi. “Theo tính toán, mỗi ca chạy, 1 xe 7 chỗ phát sinh thêm khoảng 35.000 đồng tiền xăng và xe 4 chỗ là 30.000 đồng. Từ đó, công ty sẽ đưa ra mức hỗ trợ dao động từ 9.000 - 16.000 đồng tùy vào cự ly cho một ca kinh doanh/xe”, ông Tạ Long Hỷ cho biết.


Đại diện hãng Happy taxi cũng cho hay, giá xăng đang chiếm 35% chi phí giá cước nên việc giá xăng dầu biến động sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của DN. "Ngoài các chi phí bảo hiểm cầu đường, tai nạn, phí bảo trì đường bộ..., thì nay chúng tôi đang phải gánh thêm phần chi phí do giá xăng tăng. Không tăng giá cước thì chúng tôi sẽ gặp khó khăn, nhưng tại thời điểm này, các DN lớn đều “án binh bất động” nên chúng tôi cũng không thể tăng giá cước ngay được", đại diện Happy Taxi nói.


 Trao đổi với phóng viên Tin tức, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải cho hay, do giá xăng tăng mạnh cộng với chi phí điều chỉnh đồng hồ tính cước, giá cước vận tải dự kiến sẽ tăng khoảng từ 3 - 5% thì mới bù đắp được chi phí. Đối với các DN vận tải hàng hóa, do phương tiện chủ yếu sử dụng dầu điêden nên giá cước sẽ không bị ảnh hưởng nhiều.



M.Phương - Đ.Phương - H.Tuyết

Thiếu hụt quỹ bình ổn, giá xăng bất ngờ tăng cao
Thiếu hụt quỹ bình ổn, giá xăng bất ngờ tăng cao

Bộ Tài chính giải thích, giá xăng dầu thế giới tuy có giảm, nhưng vẫn ở mức cao; trong khi, quỹ bình ổn đã hết và giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá của các nước láng giềng từ 2.000 đồng đến trên 5.000 đồng/lít.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN