Kể từ 20 giờ hôm qua (28/3), giá xăng tăng 1.430 đồng/lít, dầu điêzen tăng 362 đồng/lít, dầu hỏa tăng 480 đồng/lít; dầu madút tăng 807 đồng/kg.
Theo Bộ Tài chính, từ cuối năm 2012, đầu năm 2013 giá xăng dầu thế giới vận động theo xu hướng tăng đã làm giá xăng cơ sở tăng cao. Để giữ ổn định giá bán xăng dầu trong nước nhằm bình ổn giá cả thị trường, Nhà nước đã liên tục điều hành để giữ ổn định, không tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước mà sử dụng Quỹ BOG (từ đầu năm 2013 đã có 4 lần điều chỉnh). Hiện nay mức sử dụng Quỹ BOG xăng dầu như sau: xăng 2.000 đồng/lít, dầu điêzen 800 đồng/lít, dầu hỏa 1.150 đồng/lít, dầu madút 650 đồng/kg).
Nhân viên cây xăng Trần Hưng Đạo (Hà Nội) điều chỉnh giá niêm yết tối 28/3. Ảnh: Lê Phú |
Ngày 26/2/2013, giá xăng dầu thế giới tăng ở mức cao, nên giá bán lẻ trong nước thấp hơn giá cơ sở từ 1.000 - 2.300 đồng/lít, khi đó lẽ ra phải điều chỉnh tăng giá bán từ 1.000 - 2.300 đồng/lít nhưng để ổn định thị trường, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu không tăng giá mà sử dụng Quỹ bình ổn giá để bù đắp.
Bộ Tài chính giải thích, hiện nay, giá xăng dầu thế giới tuy có giảm, nhưng vẫn ở mức cao; trong khi, Quỹ BOG xăng dầu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã hết; giá trong nước thấp hơn giá của các nước có chung đường biên giới với Việt Nam từ 2.000 đồng/lít đến trên 5.000 đồng/lít dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng dầu diễn ra rất phức tạp. Do vậy, Liên Bộ Tài chính - Công Thương thống nhất phải thực hiện điều hành giá xăng dầu.
Trao đổi với phóng viên Tin tức, TS Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết: Giá xăng sẽ phải tăng vì cả một thời gian dài Chính phủ đã phải sử dụng các công cụ chính sách để bỉnh ổn giá xăng dầu, kiềm chế lạm phát; hơn nữa chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 3 đã giảm. Tuy nhiên, ông Phương cũng cho rằng: Việc lựa chọn thời điểm tăng cũng nên cân nhắc hơn để tránh hiểu lầm cho người dân vì thời gian gần đây, giá xăng dầu thế giới liên tục giảm.
Minh Phương