Đó là nhận định của các nhà đầu tư Nhật Bản tại buổi họp báo giới thiệu triển lãm quốc tế lần thứ 13 về máy công cụ, cơ khí chính xác và gia công kim loại (MTA VIETNAM 2015) vào ngày 24/6/2015.
Theo đánh giá của VCCI, tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu sản phẩm cơ khí của doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong 10 năm qua có những bước đột phá và phát triển, từng bước hội nhập với ngành cơ khí thế giới. Các lĩnh vực như sản xuất, lắp ráp ô tô, sản xuất xe máy, chế tạo thiết bị cơ khí thủy công, chế tạo thiết bị cho các nhà máy thủy điện, công nghiệp hỗ trợ… đều đạt kết quả tích cực.
Nếu như năm 1995, con số này là gần 201.860 tỷ đồng thì năm 2013 đạt khoảng 772.216 tỷ đồng và năm 2014 con số này tăng ở mức trên 10%. Đáng chú ý, hệ thống chính sách để phát triển ngành cơ khí đã được ban hành tương đối đầy đủ. Nhờ vậy, nhiều hợp đồng sản xuất kinh doanh và hợp tác đã được triển khai như các DN quốc phòng Z17, Z25, Z179… đã liên kết cung cấp các loại bánh răng, chi tiết sản phẩm gia công kim loại cho các DN cơ khí như Vinaxuki, Công ty động cơ và Máy nông nghiệp Miền Nam (SVEAM)… nhằm phục vụ thị trường trong và ngoài nước.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, 2 tháng đầu năm 2015, lượng thép tiêu thụ của các DN thành viên đạt hơn 645.200 tấn, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2014. Điều này cho thấy, ngành cơ khí tại Việt Nam rất tiềm năng, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư lớn đến Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản vẫn lo ngại khi các thiết bị sản xuất ngành cơ khí tại Việt Nam vẫn còn lạc hậu và thô sơ. Trong khi đó, nhu cầu cấp thiết về các giải pháp sản xuất tiên tiến của các nhà sản xuất ngày càng đòi hỏi cao, nhất là trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Vì thế, các nhà đầu tư Nhật Bản mong muốn DN Việt Nam đổi mới công nghệ và tiếp cận những thế mạnh công nghệ sản xuất tiên tiến mới.
DN Nhật Bản mong muốn DN Việt Nam tiếp cận công nghệ mới để hội nhập |
Báo cáo của Cục Đầu tư Việt Nam cũng cho thấy, Nhật Bản hiện đang là nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 40 tỉ USD, trải đều hơn 2.400 dự án trong các ngành công nghiệp như chế biến và sản xuất... Ông Tee Boon Teong, Phó Trưởng văn phòng đại diện tại Việt Nam Công ty Dịch vụ Triển lãm Singapore, mong muốn trong cuộc triển lãm MTA VIETNAM 2015 tới đây, DN ngành cơ khí Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận những công nghệ tiên tiến nhất để nâng cao vị thế trong ngành công nghệ sản xuất.
Tại buổi họp báo, ông Takahito Otsu, Tổng giám đốc Công ty Yamazaki Mazak Việt Nam chia sẻ: “Việt Nam là thị trường quan trọng đối với chúng tôi, vì tại đây có rất nhiều cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất. Tôi mong muốn DN Việt Nam sẽ tìm thấy những sản phẩm tốt nhất tại triển lãm và phù hợp với ngành sản xuất để mở rộng thương hiệu và phát triển kinh doanh của họ, đồng thời hỗ trợ nâng tầm công nghệ cho ngành công nghiệp sản xuất của Việt Nam”.
Phản ánh rõ nét điều này, hơn 60% DN Nhật Bản đã quay trở lại triển lãm MTA VIENAM 2015. Theo đó, có 33 doanh nghiệp đến từ Nhật Bản với hai nhóm gian hàng quốc tế sẽ trưng bày những thiết bị, công nghệ và giải pháp cắt cạnh tiên tiến nhất của họ đến với thị trường Việt Nam. Trong số các thương hiệu quốc tế quan trọng tham gia triển lãm không thể không kể đến Amada, Bystronic, Blum, DMG Mori, Hwacheon, Makino, Mitutoyo, Mitsubishi Electric, Nikon, OKK, Okamoto, Renishaw, Sandvik, TRUMPF, Wenzel và nhiều doanh nghiệp khác.
Bên cạnh chương trình triển lãm chính là các buổi hội thảo xoay quanh những xu hướng và vấn đề ngành công nghiệp sản xuất đang gặp phải. Các buổi hội thảo sẽ tập trung hỗ trợ nâng cao năng suất và chất lượng cho ngành sản xuất với sự góp mặt của các chuyên gia đến từ Câu lạc bộ Lean Six Sigma và MESLAB.
Triển lãm MTA VIETNAM 2015 sẽ được tổ chức từ ngày 7 đến ngày 10 tháng 7 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC, Q.7, Thành phố Hồ Chí Minh).