Độc quyền khiến vàng trong nước cao vượt thế giới

Tại hội thảo “Làm thế nào để huy động nguồn lực vàng trong dân”, được diễn ra vào hôm qua (4/10), tại TP.HCM, nhiều chuyên gia lo ngại khi vàng miếng trở thành độc quyền của một doanh nghiệp thì sự chênh lệch giá giữa vàng trong nước và thế giới ngày càng cao.

 

Lượng vàng dự trữ trong dân là một nguồn lực lớn cần huy động để phát triển kinh tế. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Trong khi, nguồn vàng dự trữ trong dân khá lớn, ước khoảng 300 - 500 tấn thì cần có giải pháp huy động để phục vụ phát triển kinh tế và bình ổn giá vàng.

 

Giá vàng đang “nhảy múa” và cao hơn giá vàng thế giới 2 triệu đồng/lượng. Theo chuyên gia Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nguyên nhân ngoài ảnh hưởng của giá vàng thế giới lên xuống, vàng còn là công cụ đầu cơ và bị ảnh hưởng của sự độc quyền.


Ông Thành phân tích, thị trường vàng hiện chỉ khan hiếm vàng miếng mang thương hiệu SJC. Bởi sự độc quyền vàng miếng nên các thương hiệu vàng phi SJC đang được SJC hóa sản xuất không kịp.


Trước khi được đóng thương hiệu vàng SJC, các thương hiệu vàng miếng khác phải qua nhiều khâu kiểm nghiệm, điều này đã làm chậm quá trình đưa vàng SJC ra thị trường.


Và mặc dù Công ty Vàng bạch đá quý Sài Gòn (SJC) tung ra thị trường hơn 13 tấn vàng miếng, nhưng sau hơn 1 tuần giá vàng vẫn không giảm, thậm chí đã vượt qua mốc 48 triệu đồng/lượng.


Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng, để ổn định trạng thái vàng của các ngân hàng thương mại (NHTM), giảm lượng cầu và hạ nhiệt giá vàng, một trong những phương án cần nghiên cứu là tiếp tục huy động vàng trong dân.


Tuy nhiên, việc huy động vàng lần này không phải để NHTM kinh doanh mà NHNN sẽ phát hành chứng chỉ vàng dài hạn để gom vàng về NHNN. Số vàng huy động được sẽ dùng làm tài sản thế chấp các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính nước ngoài để vay ngoại tệ với lãi suất thấp, phục vụ các dự án phát triển kinh tế xã hội quốc gia.


Hiện nay, theo yêu cầu của NHNN, các NHTM chỉ được huy động vàng đến ngày 25/11/2012. Thời hạn này đang đến gần trong khi thanh khoản vàng của các ngân hàng đang có vấn đề nên đã tạo ra cuộc đua huy động vàng, gây nhiều áp lực lên giá vàng trong nước thời gian qua. Vì vậy, ông Nguyễn Thành Long đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên gia hạn thời gian cho phép các NHTM được huy động vàng. Cùng với đó, NHNN nên tiếp tục công nhận quyền sở hữu vàng hợp pháp của người dân.


Đồng tình quan điểm, ông Lương Văn Tự, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập WTO cho rằng, cần xây dựng niềm tin của người dân vào đồng tiền Việt Nam, không lấy vàng làm nơi trú ẩn, đồng thời phải có cơ chế chính sách để dân tin họ gửi vàng vào ngân hàng là an toàn và khi họ cần chi tiêu thì có thể rút ra thuận lợi. Vì là kênh đầu tư nên dân gửi vàng phải có lời 1 - 2%.


Ngoài ra, NHNN cần sớm đưa ra phương án huy động vàng trong dân khi mà thời hạn cuối cùng cho phép các NHTM được phép huy động vàng đang đến gần.


Tương tự, ông Nguyễn Thế Hùng, TGĐ Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam đề nghị, người dân gửi vàng phải có chứng chỉ vàng để khi đến kì hạn, người dân được rút vàng về. Tuy nhiên, NHNN phải tạo lòng tin về thanh khoản vàng của ngân hàng, đảm bảo tính tách bạch giữa vàng huy động và chứng chỉ. Tuy nhiên, cần khuyến khích người dân gửi vàng lâu dài để Chính phủ có thể sử dụng hiệu quả nguồn ngoại tệ thu về.


Còn ông Hoàng Huy Hà - Ủy viên HĐQT Ngân hàng BIDV cũng cho rằng, nên thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia để tổ chức lại hoạt động thị trường vàng Việt Nam. Cần có cơ chế và công cụ giám sát cung cầu thị trường, kiểm soát biến động giá hàng ngày. Hiện nay, việc niêm yết giá còn mang tính chủ quan, dẫn đến tình trạng tự do “thổi giá” hoặc “ghìm giá”, gây thiệt hại cho người dân. Do đó, việc xây dựng Sở giao dịch vàng quốc gia sẽ góp phần giảm tình trạng lũng đoạn thị trường, thao túng giá, đồng thời huy động được nguồn lực vàng trong dân.

 


Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN