Đối mặt với nhiều rủi ro
Tại hội thảo Khơi thông cơ chế thị trường tiếp sức hàng không Việt được tổ chức mới đây, các chuyên gia hàng không có chung nhận định: Ngành Hàng không Việt Nam đang đối mặt nhiều rủi ro.
TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cho hay, ngành Hàng không là ngành nhạy cảm đối với khủng hoảng và dịch bệnh, mặc dù dịch bệnh hiện nay đã được kiểm soát trên toàn cầu, song vẫn không loại trừ khả năng bùng phát trở lại hoặc phát sinh các dịch bệnh mới, có thể tác động tới ngành hàng không do mức độ lây lan nếu xảy ra.
Bên cạnh đó là rủi ro về sự suy thoái của nền kinh tế. Năm 2023, kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng thấp (khoảng 2%), lạm phát vẫn ở mức cao (5,2%), một số nền kinh tế lớn có nguy cơ rơi vào suy thoái (dù mức độ nhẹ và trong thời gian ngắn); nền kinh tế Việt Nam không nằm ngoài xu thế này và có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng đường hàng không.
Thách thức quá tải các cảng hàng không Việt Nam hiện nay cũng là một rủi ro, nhất là hạ tầng, công suất thiết kế của 22 cảng hàng không đạt 96 triệu lượt khách/năm, nhưng lượng hành khách hiện tại đã gần vượt quá công suất thiết kế. Dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, Chính phủ dự kiến đầu tư 6 cảng hàng không mới, cộng với nâng cấp 22 cảng hàng không hiện hữu và lên kế hoạch khai thác hiệu quả 28 cảng hàng không, nâng tổng công suất vận hành lên khoảng 283 triệu hành khách, đảm bảo trên 95% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100 km, nhưng đây là câu chuyện trong tương lai.
Mặc dù Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường hàng không tiềm năng nhất Đông Nam Á, nhưng điều này đang tạo ra áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn từ các doanh nghiệp hàng không quốc tế, khi các doanh nghiệp hàng không Việt Nam dần mất sự bảo hộ của Chính phủ. Trong một thị trường vận tải hàng chưa thống nhất sẽ tạo ra nhiều áp lực cạnh tranh hớn với các hãng hàng không trong nước và đây cũng là rủi ro cạnh tranh ngành Hàng không phải đối mặt.
Ngoài ra, rủi ro về giá nhiên liệu, với diễn biến khó lường, biến động với biên độ giao động lớn, phụ thuộc vào thị trường quốc tế, sẽ tác động tới hoạt động của các doanh nghiệp hàng không nội địa...
Triển vọng tăng trưởng
Qua tìm hiểu, đối với các hãng hàng không nội địa, năm 2022, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietnam Airlines (VNA) đạt 70.579 tỷ đồng, tăng 153% so với năm trước, tuy nhiên giá vốn vượt doanh thu (đạt 73.204 tỷ đồng) và tăng 93% cùng với chi phí lãi vay tăng 44% khiến VNA vẫn bị lỗ. Với Bamboo Airways, theo số liệu mới nhất, trong 9 tháng đầu năm 2022 hãng tiếp tục ghi nhận lỗ gộp lên tới hơn 3.500 tỷ đồng, chỉ đứng sau khoản lỗ của Vietnam Airlines và lớn hơn nhiều so với khoản lỗ gần 2.300 tỷ đồng trong năm 2021. Còn Vietjet có kết quả khả quan hơn, doanh thu thuần của hãng năm 2022 đạt 39.343 tỷ đồng (tăng 206%), nhưng giá vốn và chi phí lãi vay tăng cao (lần lượt là 178% và 69%) khiến Vietjet bị lỗ 2.172 tỷ đồng...
Trên thị trường chứng khoán, nhờ ngành Hàng không phục hồi trong năm 2022, nhóm cổ phiếu ngành hàng không mặc dù giảm 11%, song vẫn tốt hơn mức giảm 32,7% của toàn thị trường...
Trước thực tế trên, các chuyên gia hàng không đều có nhiều đánh giá về triển vọng của ngành Hàng không, như: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 dự báo ở mức 6 - 6,5%, thấp hơn mức 8,02% trong năm 2022, song vẫn là mức cao so với thế giới (khoảng 2%); Việt Nam có quy mô dân số đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN (khoảng 100 triệu người), nhưng thị trường hàng không mới chỉ có 5 hãng đang hoạt động, với quy mô thị trường lớn; GDP đầu người ngày càng tăng và mức sống người dân ngày càng cải thiện; dòng vốn FDI tiếp tục tăng trưởng khá, thúc đẩy nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không.
Đáng chú ý, nhu cầu về vận tải hàng hóa tăng cao, đang tạo điều kiện cho Việt Nam tiến sâu vào chuỗi giá trị sản xuất thế giới, đặc biệt là các mặt hàng có giá trị cao như điện thoại, laptop, mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện; máy móc, thiết bị, máy ảnh, máy quay phim... những mặt hàng phải vận chuyển bằng đường hàng không.
Vì vậy, lượng khách du lịch dự báo sẽ phục hồi trở lại mức trước dịch. Trong tháng 1/2023, khách quốc tế đến Việt Nam đã đạt 871.200 lượt, tăng 23,2% so với tháng trước và cao gấp 44,2 lần cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế đang dần được khôi phục trở lại. Theo Tổ chức Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), dự báo khách du lịch quốc tế năm 2023 sẽ đạt khoảng 80 - 95% so với mức trước dịch.
Cùng với đó, dự báo trong năm 2023, tỷ giá tại Việt Nam sẽ vẫn được Ngân hàng Nhà nước điều hành thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường và tiếp tục giữ ở mức ổn định, tăng khoảng 2 - 3% trong năm 2023, hỗ trợ cho hoạt động của các doanh nghiệp ngành Hàng không; giá nhiên liệu năm 2023 dự báo sẽ giảm so với năm 2022, mặc dù đứng ở mức cao, song sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không vượt khó.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, Chính phủ và Bộ GTVT đang quyết liệt xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân. Do đó, về trung và dài hạn, ngành Hàng không có nhiều tiềm năng phát triển.
Với những cơ hội nêu trên, theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, ngành Hàng không nội địa sẽ có mức tăng trưởng nhanh. Cụ thể, tổng thị trường vận tải hàng không Việt Nam năm 2023 đạt xấp xỉ 80 triệu khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 45,4% về hành khách và 15% về hàng hóa so với năm 2022; tăng xấp xỉ 1% về hành khách và 14,8% về hàng hóa so với trước dịch COVID-19 (năm 2019).
Trong đó, vận chuyển nội địa đạt 45,5 triệu khách, tăng 5% so với năm 2022 và tăng mạnh 22% so với năm 2019; vận chuyển nội địa 230.000 tấn hàng hóa, tăng 55% so với năm 2022 và bằng 85% so với năm 2019; vận chuyển quốc tế đạt 34 triệu khách, gấp 3 lần so năm 2022 và phục hồi tương đương mức 83,5% so với năm 2019; vận chuyển hàng hoá quốc tế đạt 1,23 triệu tấn hàng hóa quốc tế, tăng 10% so với năm 2022 và tăng 22,4% so với năm 2019...