Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ; Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio chủ trì Hội nghị.
Đây là hội nghị lần thứ 5 trong năm 2020 của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài và là hội nghị đối thoại lần đầu tiên với doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, với quyết tâm “chống dịch như chống giặc”, “không để ai bị bỏ lại phía sau” và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương và cộng đồng xã hội, Việt Nam đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; ngăn chặn, không để dịch bệnh lây lan thiếu kiểm soát trong cộng đồng. Hiện nay, Việt Nam đã và đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới, nhiều ngành sản xuất kinh doanh có sự khởi sắc, trong đó nổi bật là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu có nhiều tín hiệu tích cực với thặng dư thương mại cao, dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy mạnh vào Việt Nam trong những tháng qua.
Theo Bộ trưởng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm khôi phục kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội. Đồng thời, chuyển đổi mạnh mẽ phương thức làm việc của các cơ quan hành chính Nhà nước trong công tác chỉ đạo, điều hành và cung cấp dịch vụ công; từ việc xử lý hồ sơ, văn bản, giải quyết công việc thủ công chuyển sang xử lý hồ sơ, văn bản, giải quyết công việc trên môi trường điện tử, phi giấy tờ.
“Từ đầu năm tới nay, Chính phủ tiếp tục cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến nay là 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu tập trung cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ liên quan đến hoạt động kinh doanh cho người dân, doanh nghiệp”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin.
Bộ trưởng cho biết, Cổng Dịch vụ công quốc gia sau 1 năm 12 ngày kể từ ngày chính thức khai trương, đã tích hợp, cung cấp hơn 2.650 dịch vụ công trực tuyến trên 6.700 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền (đạt 39%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 9%); có hơn 97 triệu lượt truy cập... Chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia là khoảng 6.700 tỷ đồng/năm.
Cũng theo Bộ trưởng, mặc dù chưa có con số chính thức, song, qua báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2020 ước đạt 2,6-3%, là nước duy nhất tăng trưởng dương trong khu vực Đông Nam Á, là một trong số ít nước tăng trưởng dương ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất trong bối cảnh dịch bệnh, được các tổ chức quốc tế uy tín đánh giá lạc quan về triển vọng kinh tế trong thời gian tới. Những thành công trên không thể không kể đến sự hỗ trợ, hợp tác của Chính phủ cũng như các doanh nghiệp Nhật Bản.
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio đánh giá cao công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam. Dẫn con số trong 11 tháng năm 2020, Việt Nam đã đạt tổng giá trị xuất nhập khẩu lên đến 489 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi các nước đang nỗ lực chống dịch, Việt Nam đã tăng trưởng dương, Đại sứ Yamada Takio khẳng định, trên thế giới, chỉ có Việt Nam đạt mức thành công lớn như vậy. Điều này cho thấy, Việt Nam đang trực tiếp hưởng lợi từ việc đa dạng chuỗi cung ứng đầu tư toàn cầu.
Đại sứ Yamada Takio cho rằng, quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Nhật Bản - Việt Nam ngày càng sâu sắc, mối quan hệ này có tiềm năng vô tận. Ông nêu lên “đơn thuốc” để Việt Nam phục hồi kinh tế nhanh chóng, đó là mở lại các chuyến bay thương mại, cải thiện công tác giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài và cải cách thủ tục hành chính. Việc tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp là một minh chứng cho những nỗ lực của Việt Nam nhằm tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo Đại sứ Yamada Takio, Chính phủ Nhật Bản đang dồn nguồn lực để khôi phục kinh tế giai đoạn hậu COVID-19 với gói hỗ trợ doanh nghiệp trị giá 2,3 tỷ USD. Trong số 81 doanh nghiệp được nhận hỗ trợ của Chính phủ, có 37 doanh nghiệp quyết định chọn Việt Nam để đầu tư, tiếp đến là Thái Lan với 19 doanh nghiệp. 55 doanh nghiệp Nhật Bản quyết định thành lập trụ sở tại Việt Nam. “Điều này có thể thấy doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng như thế nào về đầu tư tại Việt Nam. Doanh nghiệp Nhật Bản tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam trong tình hình mới”, Đại sứ Yamada Takio nói.
Đại sứ Yamada Takio cho biết, JETRO - một trong những đầu mối xúc tiến đầu tư nước ngoài tại Việt Nam của Chính phủ Nhật Bản - đang có rất nhiều hoạt động để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam. Văn phòng JETRO tại Hà Nội đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư vào Việt Nam, cung cấp các dịch vụ tư vấn như văn phòng làm việc. Từ năm 2009 đến nay, đã có 88 doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ này, trong đó, 55 doanh nghiệp đã thành lập các chi nhánh cũng như các công ty tại Việt Nam. Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã dành khoản hỗ trợ tín dụng ứng phó với dịch COVID-19 với quy mô khoảng 9,5 tỷ USD và hiện nay có 20 doanh nghiệp Nhật Bản đã, đang được tư vấn để có thể được hưởng các chính sách này. Nhật Bản sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam.
Tại Hội nghị, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) đã giới thiệu về chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2022 và Hệ thống tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế, chính sách đã được doanh nghiệp Nhật Bản nêu ra tại Hội nghị như vấn đề công khai thông tin doanh nghiệp; hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy nhanh thời gian triển khai và đơn giản hóa quy trình thủ tục cấp phép đầu tư; áp dụng ưu đãi đầu tư… Những vướng mắc đã được đại diện các bộ, ngành giải đáp cụ thể. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đưa ra nhiều kiến nghị để cải thiện cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.