Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Nhật cho biết, thị trường hàng không Việt Nam dù mới thực sự hội nhập với hoạt động hàng không thế giới, nhưng đã có những bước phát triển nhảy vọt trong những năm gần đây. Từ chưa đến 20 hãng hàng không nước ngoài khai thác đến Việt Nam vào năm 1993 với hơn 20 đường bay quốc tế đến nay đã có 55 hãng hàng không nước ngoài với gần 100 đường bay quốc tế đi/đến Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng về hành khách, hàng hóa luôn đạt mức trung bình 14 - 15%/năm trong giai đoạn 20 năm qua.
Hành khách lên máy bay tại sân bay Buôn Ma Thuột. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, thực hiện thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ về một Chính phủ kiến tạo, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có đầu tư nước ngoài, Bộ GTVT nói chung, Cục Hàng không Việt Nam nói riêng muốn lắng nghe các doanh nghiệp thảo luận về những chính sách vận tải hàng không, những khó khăn vướng mắc trong quá trình kinh doanh tại Việt Nam .
Hội nghị đối thoại đã thu hút sự quan tâm, tham dự của nhiều hãng hàng không trong nước và cả doanh nghiệp nước ngoài như: Vietnam Airlines, VietJet Air, Cathay Pacific, Thai Cargo, Cebu Pacific, Cagorlux... Bên cạnh đó còn có sự hiện diện của các doanh nghiệp cảng hàng không như: Tổng công ty cảng Hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), các đơn vị phục vụ mặt đất.
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận các vấn đề liên quan đến chính sách vận tải hàng không của Việt Nam; các khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động của các hãng hàng không nước ngoài tại Việt Nam; các kế hoạch mở đường bay quốc tế mới đi/đến Việt Nam.
Theo đó, đại diện các hãng hàng không đã có những đề xuất cụ thể như: đề nghị thành lập Ủy ban phối hợp ra quyết định điều hành bay tại cảng hàng không (CDM) nhằm điều phối hoạt động của tàu bay tại cảng đạt hiệu quả cao, giảm thiểu tình trạng chậm chuyến vì lý do điều hành bay; cần có các biện pháp nhằm giảm thiểu tiếng ồn tại nhà ga…
Về vấn đề xử phạt hành chính tại các sân bay, nên có buổi họp giao ban với cảng vụ hàng không nhằm tạo ra sự hiểu biết và hợp tác với nhau tốt hơn. Theo các hãng hàng không, việc phạt tiền không phải là giải pháp duy nhất khi các hãng có vi phạm. Đặc biệt, các hãng hàng không cũng mong muốn, Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam có các hình thức khen thưởng cho các đơn vị, cá nhân có thành tích tốt đề khuyến khích và nâng cao tiêu chuẩn khai thác.
Cùng với đó, các hãng hàng không đề nghị công bố kế hoạch nâng cấp, mở rộng cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất để các hãng có thể chuẩn bị cho kế hoạch khai thác. Đồng thời, đề nghị các cơ quan quản lý của Việt Nam có biện pháp giảm chi phí khai thác tại các sân bay tại Việt Nam bởi theo đánh giá của các hãng hàng không chi phí này đang ở mức cao trong khu vực….
Tại hội nghị, những kiến nghị của các hãng hàng không nước ngoài đã được Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam giải đáp. Cụ thể như kế hoạch mở rộng sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất bao gồm kế hoạch phát triển sân đỗ: khu vực 21ha, dự kiến bố trí 30 vị trí đỗ tàu bay (hiện nay đang thực hiện giai đoạn 1 đưa 3 vị trí đỗ tàu bay vào phục vụ tàu bay đỗ qua đêm. Còn lại 9 vị trí đỗ tàu bay sẽ được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong tháng 11 này; hoàn thành toàn bộ việc sửa chữa cải tạo để đưa 30 vị trí đỗ vào khai thác trong cuối năm 2017…. Đối với nhà ga hành khách sẽ cải tạo, mở rộng nhà ga T2 (Quốc tế) nâng công suất từ 10 triệu hành khánh/năm lên 12-13 triệu hành khách/năm.
Trả lời về vấn đề chi phí khai thác tại các sân bay, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hiện nay chi phí khai thác của Việt Nam cao thứ 3, sau Singapore và Thái Lan. Các loại giá được xây dựng và đưa ra ở mức hợp lý, tuân thủ các hướng dẫn của ICAO (Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế) và có nhiều loại giá được giữ ổn định từ nhiều năm nay. Đặc biệt, Cục Hàng không Việt Nam cũng có chính sách giảm giá cụ thể cho các hãng hàng không khi mới mở các đường bay nhằm chia sẻ khó khăn về tài chính trong giai đoạn đầu khai thác đi/đến Việt Nam.