Tại hội nghị, đại diện các sở, ban, ngành đã tiếp nhận ý kiến, kiến nghị và đề xuất của đại diện các hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong nước; đồng thời, trả lời, giải thích thỏa đáng đi vào trọng tâm một số vấn đề như: thực hiện quy hoạch vùng logistic Bình Dương; trong đó phát huy vị trí, vai trò, tiềm năng của Cảng Bình Dương; tiếp tục hỗ trợ tổ chức các hội chợ, triển lãm ngành gỗ; tháo gỡ vướng mắc liên quan đến việc di dời doanh nghiệp từ phía Nam lên phía Bắc của tỉnh; áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn mới và chi phí để đầu tư hệ thống phòng cháy, chữa cháy; gói cho vay hỗ trợ lãi suất 2% để phục vụ sản xuất kinh doanh; đề án di dời và chuyển đổi công năng, vay vốn tín dụng, bảo hiểm xã hội, hoàn thuế VAT...
Một trong những vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm thời điểm này là việc thực hiện chủ trương di dời nhà máy đang xen kẽ trong các khu dân cư ở phía Nam vào trong khu công nghiệp nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Dương. Nhiều doanh nghiệp đều bày tỏ ủng hộ chủ trương này vì mục tiêu lâu dài.
Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội Gốm sứ cho biết, thời gian qua, đơn hàng bị sụt giảm, nhiều nhà máy đóng cửa khiến doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong việc di dời nhà máy. Hầu hết nghề này đều là cha truyền con nối, việc di dời sẽ mất lao động vì người lao động không có khả năng về tài chính để mua đất xây nhà chuyển chỗ ở. Hiệp hội này kiến nghị, tỉnh cần tính toán cơ chế chính sách, bố trí đất mở cụm công nghiệp ở gần để bảo tồn nghề truyền thống.
Đại diện doanh nghiệp da giày túi xách cho biết, hai năm qua doanh nghiệp đã rất khó khăn trong khi vật lộn với dịch bệnh và hiện tiếp tục gặp nhiều khó khăn về đơn hàng. Doanh nghiệp không đủ sức lực để di dời trong khoảng 5 năm tới. Doanh nghiệp kiến nghị, không áp đặt thời gian di dời hay thực hiện bất kỳ hồ sơ gì xin hoãn việc di dời vì việc này có thể đẻ thêm thủ tục hành chính, rất mất thời gian thực hiện.
Trước đó, trong Quyết định số 3210/QĐ-UBND ngày 31/10/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án “Điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tỉnh Bình Dương”, đã xác định các tiêu chí di dời mang tính chất định hướng. Tuy nhiên để áp dụng vào tình hình thực tế, cần phải có sự nghiên cứu xem xét, đánh giá để đảm bảo sự phù hợp và khả thi.
Tiêu chí buộc di dời là doanh nghiệp vi phạm 1 trong 2 vấn đề đảm bảo môi trường và phòng cháy chữa cháy áp dụng theo quy định của pháp luật. Sở Công Thương Bình Dương cũng đang trong quá trình dự thảo xây dựng một số chính sách hỗ trợ như: tiền thuê đất, thuê nhà xưởng tại địa điểm mới; miễn tiền thuê đất trong cụm công nghiệp; hỗ trợ việc tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt nhà xưởng, thiết bị và một số chính sách cho người lao động,…
Thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ cũng như nhận thấy tính cấp bách cần thiết phải giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp thường xuyên trong bối cảnh kinh tế khó khăn, hiện Bình Dương đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc để thường xuyên lắng nghe, chủ động năm bắt thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đồng tư. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh đã tổ chức được 10 phiên họp giải quyết các khó khăn, vướng mắc của người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành lập nhóm Zalo với cộng đồng doanh nghiệp và phối hợp với các đơn vị liên quan trả lời, phản hồi được 180/189 phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp. Nội dung phản ánh, kiến nghị nhiều nhất là thủ tục hành chính; tài chính, thuế, hải quan; việc làm, lao động; đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy.
Ngoài ra, nhằm nâng cao khả năng tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh đang xây dựng ứng dụng tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp trên ứng dụng Bình Dương số; xây dựng Zalo Official Account cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, qua đó Zalo OA là kênh mạng xã hội chính thống nhằm triển khai rộng rãi hơn việc nắm bắt, tháo gỡ khó khăn vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành cho biết, thời gian tới, lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ban, ngành tiếp tục tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh thực hiện giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp; tăng cường phối hợp, trao đổi trực tiếp giữa các sở, ngành, địa phương với cộng đồng doanh nghiệp trong giải quyết các thủ tục hành chính; giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc, nhất là những việc tồn đọng kéo dài nhằm tạo thuận lợi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đạt hiệu quả cao nhất...
Trong 9 tháng của năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 4,9% so cùng kỳ, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 4,0%, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ ước đạt 226.318 tỷ đồng, tăng 13,4% so cùng kỳ. Lũy kế đến ngày 15/9, toàn tỉnh có hơn 4.160 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 40 tỷ USD, đứng thứ 2 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.