Khan hiếm vật liệu xây dựng, khó di dời hạ tầng kỹ thuật
Theo Ban Quản lý dự án giao thông 7 (Bộ GTVT - đơn vị chủ đầu tư) và các nhà thầu thi công cầu Mỹ Thuận 2 thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông, các gói thầu đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ đặt ra do khan hiếm nguồn vật liệu xây dựng.
Mặc dù tiến độ toàn dự án vẫn được kiểm soát chặt, công tác GPMB đã chi trả bồi thường, bàn giao 98%, nhưng hiện vẫn còn 12 hộ chưa nhận tiền đền bù, trong đó có 11 hộ thuộc phạm vi xử lý nền đất yếu, bùn lún của các gói thầu XL01, XL02 và công tác di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu tái định cư (phía tỉnh Tiền Giang) chưa hoàn thành. Bên cạnh đó, nguồn cung vật liệu đang khan hiếm, đội giá tại các địa phương cũng ảnh hưởng đến tiến độ. Dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu dài 6,61 km.
Hay đại diện Ban Quản lý dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư) cho biết, dự án thành phần cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang thiếu 4,4/5,4 triệu m3 vật liệu đắp nền đường. Ban đã đề nghị các địa phương sớm hoàn thành thủ tục cấp phép các mỏ đất đã có trong quy hoạch để giúp các nhà thầu chủ động nguồn vật liệu thi công, đáp ứng tiến độ đề ra. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện GPMB, Ban cũng đã làm việc trực tiếp với lãnh đạo các tỉnh, đôn đốc Hội đồng GPMB đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bàn giao phần mặt bằng còn lại cho dự án, nhưng đến thời điểm này, tiến độ xây dựng các khu tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật tại địa phương có dự án đi qua “ì ạch”, mới đạt khoảng 50% khối lượng dự kiến...
Trước thực tế trên, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các địa phương, cơ quan chủ quản công trình hạ tầng, Hội đồng GPMB các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo hoàn thành GPMB trong quý II/2021 để bàn giao cho dự án.
Bộ GTVT cũng đã yêu cầu các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương để giải quyết dứt điểm các tồn tại về nguồn vật liệu, tiến độ đền bù tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án.
Vẫn vướng hơn 18 km mặt bằng
Theo mục tiêu kế hoạch, công tác GPMB 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 sẽ hoàn thành trong năm 2020. Tuy nhiên, đến nay, chính quyền các địa phương mới bàn giao được 634,9/652,92km (đạt 97,2%), còn lại hơn 18 km chưa có mặt bằng sạch. Đồng thời, trong phạm vi mặt bằng đã bàn giao, vẫn còn những vướng mắc cần tiếp tục giải quyết trong quá trình thi công giữa chủ đầu tư dự án thành phần và chính quyền địa phương có dự án đi qua.
Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) thống kê, phần mặt bằng còn lại của các dự án chưa bàn giao chủ yếu do địa phương chưa hoàn thành công tác xây dựng khu tái định cư, chưa di dời hạ tầng kỹ thuật.
Cụ thể, trong số 111 khu tái định cư cần xây dựng, gồm 83 khu tái định cư xây dựng mới và 28 khu đã có sẵn. Đến nay, chính quyền các địa phương đã hoàn thành 72/83 khu (đạt 86,7%); còn lại 10 khu đang thi công, dự kiến hoàn thành trong quý II/2021 và 1 khu đang triển khai thiết kế, dự kiến hoàn thành xây dựng vào cuối năm 2021.
Về công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, đối với đường điện các địa phương đã di dời 295/733 vị trí (đạt 40,2%); đường ống nước các loại đã di dời 18.774/40.232 m (đạt 46,7%); cáp viễn thông di dời 39.031/91.828 m (đạt 42,5%)…
Đánh giá của Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông cho thấy, trong tháng 5/2021, công tác xây dựng khu tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật của các địa phương có chuyển biến, trong đó xây dựng tái định cư tăng 3 khu, di dời đường điện tăng 5,3%, di dời đường ống nước tăng 11,65% và di dời cáp viễn thông tăng 6,55%. Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu hoàn thành GPMB trong quý II/2021, các Ban Quản lý dự án và các địa phương cần phải khẩn trương tăng tốc tiến độ ngay trong tháng 6.
Dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần dài 654 km, đi qua 13 tỉnh: Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang, Vĩnh Long. Kinh phí đền bù GPMB của dự án khoảng 12.401 tỷ đồng, diện tích thu hồi khoảng 4.835 ha, số hộ tái định cư khoảng 3.690 hộ dân và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm trong phạm vi GPMB.
Bộ GTVT vừa yêu cầu Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh xử lý hàng loạt nhà thầu vi phạm tiến độ tại dự án thành phần cao tốc đoạn Cam Lộ-La Sơn. Cụ thể, đối với các nhà thầu vi phạm lần thứ 3 về chậm tiến độ thi công, không phối hợp với địa phương chủ động giải quyết vật liệu đất đắp nền đường, làm kéo dài thời gian gia tải chờ lún… sẽ thông báo trên trang thông tin điện tử của Bộ GTVT để làm cơ sở đánh giá năng lực khi các nhà thầu này tham gia các dự án do Bộ GTVT quản lý theo định của Luật Đấu thầu; đồng thời, yêu cầu các nhà thầu trước ngày 5/6/2021 phải tập trung huy động năng lực thi công bù tiến độ đã chậm, nếu không sẽ điều chuyển.