Đồng hành cùng các thương hiệu quốc gia

Chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG) đã dần thu hút được sự quan tâm, chú trọng của đông đảo các doanh nghiệp (DN) trong nước. Bởi khi được tham gia Chương trình THQG, các DN không những khẳng định được vị thế của DN mình, quảng bá và định hình thương hiệu trong đông đảo công chúng mà còn nhận được hỗ trợ bởi những cơ chế thiết thực, sự đồng hành của Nhà nước cũng như các cơ quan chức năng... Nhưng để việc xây dựng thương hiệu có hiệu quả hơn rất cần sự tham gia, đồng hành của cả cộng đồng…

Sự hậu thuẫn từ Nhà nước: các cơ chế ưu đãi

Theo ông Đỗ Thắng Hải, Tổng thư ký Chương trình Thương hiệu Quốc gia “Khi DN tham gia chương trình THQG, Chính phủ, Nhà nước sẽ đứng ra bảo trợ cho các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ có chất lượng và uy tín kinh doanh, nhằm giúp các doanh nghiệp Việt tạo chỗ đứng vững vàng trên thị trường trong nước và có điều kiện phát triển thương hiệu của mình ra thế giới”.

Các DN có thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ tham gia Chương trình THQG được phép gắn Nhãn sản phẩm quốc gia trên sản phẩm (theo Quy chế quản lý và sử dụng biểu trưng của Chương trình); được tham gia các hoạt động có hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu quốc gia từ nguồn ngân sách Nhà nước và mức hỗ trợ theo quy định; được ưu tiên lựa chọn tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước, quốc tế và các chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia do Chương trình THQG đề xuất; được hỗ trợ tư vấn về đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý ở trong, ngoài nước; được sử dụng cơ sở dữ liệu thông tin thị trường, sản phẩm và khách hàng của Chương trình; được đề xuất sáng kiến xây dựng chiến lược, chương trình hành động cụ thể của Chương trình; được đề xuất các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, quảng bá, phát triển và bảo vệ thương hiệu. Đây có thể coi là những "bệ đỡ" quan trọng đối với các DN trong quá trình xây dựng thương hiệu của mình không những trong nước mà cả trên trường quốc tế.

Nhà máy sản xuất bia và nước giải khát Number 1 của Tân Hiệp Phát.


Tuy nhiên, Nhà nước sẽ không đứng ra làm thay cho DN. Bản thân DN cũng phải tự cố gắng, nỗ lực và xây dựng chiến lược cho việc phát triển thương hiệu của mình.

Trách nhiệm của cả cộng đồng

Trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, việc xây dựng thương hiệu là rất cần thiết, nhưng để thương hiệu có được sức sống dài lâu, có giá trị, tồn tại được trong tâm trí người tiêu dùng là cả một sự nỗ lực, tâm huyết không chỉ của DN, không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước hay các bộ, ngành mà cần cả nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và sự tham gia của mọi công dân Việt Nam..

"Việc xây dựng thương hiệu mang tầm quốc gia để khẳng định bản sắc trên thị trường thế giới trong bối cảnh hội nhập là cách làm của nhiều nước. Cũng không nằm ngoài xu thế đó, chúng ta cần phải tận dụng tất cả lợi thế, năng lực để cạnh tranh, tập trung nguồn lực xây dựng một hình ảnh Việt Nam thu hút và hấp dẫn trên thị trường toàn cầu. Quan trọng hơn cả là cộng đồng doanh nhân và xã hội cần nhận biết một cách đầy đủ nhất về tinh thần và ý nghĩa của việc xây dựng THQG này”, ông Đỗ Thắng Hải nói.

Trong xu thế hiện nay, dòng chảy hàng hóa từ nhiều quốc gia trên thế giới đã mang đến cho người tiêu dùng Việt nhiều sự lựa chọn hơn trước đây. Bản thân các doanh nghiệp Việt cũng đã cố gắng nỗ lực để nâng cao chất lượng sản phẩm, để đủ sức cạnh tranh với các hàng ngoại nhập. Hơn ai hết, các DN rất mong muốn được cộng đồng, được người tiêu dùng không những ưu tiên dùng hàng Việt Nam, mà còn chung tay xây dựng, giữ gìn các thương hiệu Việt Nam. Hành động của người tiêu dùng trên thị trường sẽ phản ánh rất nhiều những tín hiệu sống còn của thương hiệu.

Để việc xây dựng và bảo vệ các thương hiệu Việt không chỉ là công việc của các DN và một phần là các chính sách của Nhà nước mà bản thân người tiêu dùng cũng cần cân nhắc hơn trong việc lựa chọn xu hướng mua hàng, chi tiêu của mình để không những tiết giảm được chi phí mà còn góp phần phát triển kinh tế đất nước, xây dựng các thương hiệu Việt. Có thể kể đến, như Cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt trong thời gian gần đây đã mang lại được hiệu quả đáng kể, chính là nhờ sự ủng hộ của đông đảo người tiêu dùng nội địa. Từ việc quen dần với khái niệm mua hàng Việt, người dân thay đổi thói quen mua sắm, lựa chọn sản phầm trong nước. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp Việt, và sẽ tạo điều kiện cho THQG ngày càng phát triển, vươn xa hơn.

Ông Trần Quí Thanh, Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, một trong những công ty nước giải khát hàng đầu Việt Nam chia sẻ: “Trong bối cảnh hiện nay, khi có rất nhiều công ty nước ngoài, các đại gia lớn trong ngành hàng nước giải khát thế giới đã bắt đầu tìm kiếm cơ hội chinh phục thị trường Việt, chúng tôi phải nâng cao năng lực cạnh tranh để khác biệt hoá thương hiệu trong suy nghĩ của công chúng. Chúng tôi tập trung đầu tư cho khâu nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Chúng tôi hiểu rằng mỗi sản phẩm không chỉ đơn thuần là tên gọi sản phẩm; một logo; một ký hiệu cho người tiêu dùng nhận dạng, mà sản phẩm đó được nâng lên thành một thương hiệu hẳn hoi, một thương hiệu thực sự có sức sống, có giá trị. Để những giá trị ấy, những sức sống ấy không mất đi thì sự nỗ lực sáng tạo là bài toán thách thức doanh nghiệp theo đuổi cuộc chạy đua này. Và THQG là một trong những bước đi khởi động để chinh phục”.

Trân Chân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN