Tất cả số lao động này đã được tiêm vaccine phòng COVID-19, đều sinh sống trong các “vùng xanh”.
Theo ông Lê Văn Danh, vừa qua, Đồng Nai đề ra phương án từng bước phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Theo đó, người lao động ở các “vùng xanh”, đã tiêm 2 mũi hoặc 1 mũi vaccine phòng COVID-19 sau 14 ngày, người đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 180 ngày được quay trở lại tham gia sản xuất theo hình thức “3 tại chỗ” hoặc đi, về hàng ngày. Ngay sau đó, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã gửi hồ sơ đề nghị được thực hiện phương án này, dự báo tới đây sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tổ chức cho người lao động đi, về hàng ngày.
Ông Lê Văn Danh cho rằng, Đồng Nai là tỉnh công nghiệp, nhiều tháng qua địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất kinh doanh hoặc hoạt động cầm chừng; hàng loạt lao động mất việc làm, không có thu nhập. Việc mở cửa, tiến tới trạng thái bình thường mới là vô cùng cần thiết, cấp bách, điều này không chỉ giúp khôi phục, phát triển kinh tế mà còn trực tiếp đảm bảo an sinh xã hội, tránh phát sinh những hệ lụy.
Để quá trình khôi phục sản xuất của doanh nghiệp diễn ra thuận lợi, Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai đề nghị tỉnh nới lỏng việc đi lại của người dân, đặc biệt là lao động giữa các “vùng xanh” và giữa “vùng xanh” với các khu công nghiệp, nhà máy sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Không kiểm soát việc đi lại của người dân bằng giấy đi đường mà kiểm soát thông qua ứng dụng công nghệ điện tử. Tỉnh lên phương án đưa người lao động từ các tỉnh, thành khác về Đồng Nai để tiếp tục tham gia lao động tại các doanh nghiệp. Cơ quan chức năng Đồng Nai cần lên phương án, nhanh chóng phối hợp với các tỉnh, thành lân cận như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động lưu thông giữa các địa phương.
Khi thực hiện bình thường mới, nhiều khả năng dịch COVID-19 sẽ xuất hiện tại các doanh nghiệp. Để phòng, chống dịch hiệu quả, xử lý kịp thời các ca bệnh, tỉnh cần gấp rút thành lập các trung tâm y tế tại các khu công nghiệp, nâng cao năng lực khám chữa bệnh của những cơ sở y tế cấp xã, phường.
Ông Lê Văn Danh nhấn mạnh, khi dịch mới bùng phát, để duy trì sản xuất nhiều doanh nghiệp ở Đồng Nai thực hiện phương án “3 tại chỗ”, cho công nhân lưu trú tại công ty. Tuy nhiên, “3 tại chỗ” chỉ là phương án tạm thời, doanh nghiệp, người lao động không thể duy trì lâu vì tốn nhiều chi phí, đời sống tinh thần bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động từ 10.000 - 60.000 người nên không thể thực hiện phương án “3 tại chỗ” – phải ngưng sản xuất trong nhiều tháng qua. Cơ quan chức năng cần có kế hoạch chấm dứt mô hình “3 tại chỗ”, cho phép doanh nghiệp tổ chức sản xuất, người lao động đi, về hàng ngày trên cơ sở đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Theo Ban Quản lý các Khu công nghiệp Đồng Nai, trong 31 khu công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai có gần 632.000 lao động đang làm việc. Đến nay, có hơn 1.250 doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” với hơn 160.000 lao động lưu trú tại công ty.