Đồng Nai xây dựng 10 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 

Chuyển đổi tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, điều này bao gồm việc hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp và nông dân, tạo ra chuỗi giá trị nông sản hàng hóa.

Chú thích ảnh
Hệ thống tưới phun mưa trên ngọn cây tại vùng trồng sầu riêng của Hợp tác xã Xuân Định. Ảnh tư liệu: Minh Hưng /TTXVN

Đây là khẳng định của Tỉnh ủy Đồng Nai tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch số 110-KH/TU ngày 31/12/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm” diễn ra ngày 27/8.

Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết, để triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, tỉnh đã rà soát xác định không gian, định hướng phát triển các vùng sản xuất trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là cơ sở bố trí nguồn vốn đầu tư công, kêu gọi, thu hút đầu tư vào nông nghiệp gắn với định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp bền vững, với 321 vùng sản xuất tập trung quy mô 95.651 ha, 10 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 11.879 ha.

Đến nay, toàn tỉnh đã hình thành 127 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung đối với nông sản chủ lực, với 40.9 ha; trong đó 8 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô gần 1.600 ha về sản phẩm lúa, xoài, bưởi, sầu riêng.

Tiêu biểu như vùng trồng sầu riêng tại xã Phú An, huyện Tân Phú; vùng trồng bưởi tại xã Tân Triều, huyện Vĩnh Cửu; vùng trồng chuối tại xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom; vùng trồng lúa tại xã Phú Bình, huyện Tân Phú; vùng trồng tiêu tại xã Lâm San huyện Cẩm Mỹ; vùng trồng chôm chôm tại thành phố Long Khánh; vùng trồng xoài tại xã Xuân Hưng huyện Xuân Lộc; vùng nuôi tôm tại huyện Tân Phú, Nhơn Trạch, Long Thành…

Ông Trần Lâm Sinh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai cho biết sau 3 năm triển khai Kế hoạch 110, đến nay giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực ứng dụng công nghệ cao đạt 34.704 tỷ đồng; giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực sản xuất theo quy trình tốt và tương đương đạt 7.7 tỷ đồng; giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất theo hình thức hợp tác, liên kết đạt 27.512 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến nông sản, hiện Đồng Nai đang tập trung vào một số ngành hàng có thế mạnh, như chế biến thức ăn chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, cà phê, hạt điều, rau củ quả, lâm sản; trong đó chế biến gỗ và lâm sản. Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết đây là lĩnh thế mạnh của tỉnh, riêng năm 2023 lĩnh vực này được xếp TOP đầu cả nước, với 1.454 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,55 tỷ USD, nằm trong nhóm 4 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của tỉnh Đồng Nai.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Hồ Thanh Sơn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng, việc phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ vẫn còn những hạn chế nhất định. Đa số các công nghệ được áp dụng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn có hàm lượng khoa học công nghệ chưa cao; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn; việc tiếp cận chính sách ưu đãi về đất đai, tài chính, tín dụng của doanh nghiệp, người dân còn hạn chế, chưa tạo động lực cho phát triển; hạ tầng phục vụ sơ chế, chế biến, bảo quản, đóng gói nông sản đầu tư thiếu đồng bộ, hiện đại, chưa bắt kịp nhu cầu phát triển.

Ông Hồ Thanh Sơn đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung nguồn lực triển khai phương án phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy hoạch của tỉnh; trong đó cần tập trung kêu gọi đầu tư vào các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch, nhất là 3 vùng công nghệ cao tại huyện Cẩm Mỹ đã có doanh nghiệp đề xuất chủ trương đầu tư; xây dựng các vùng trồng, vùng nuôi đáp ứng yêu cầu về sản lượng, chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật để gắn kết với công nghiệp chế biến và thì trường xuất khẩu.

“Cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nông sản, xử lý các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng và tạo cơ hội cho các sản phẩm an toàn, sản phẩm hữu cơ truy xuất được nguồn gốc đến với người tiêu dùng. Đồng thời, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp; tập trung làm tốt thông tin thị trường nhằm cung cấp kịp thời cho người sản xuất về tình hình giá cả, dự báo ngắn và dài hạn về xu hướng thị trường trong nước và trên thế giới để người dân chủ động điều chỉnh quy mô sản xuất, cân đối cung cầu phù hợp với nhu cầu của thị trường”, ông Hồ Thanh Sơn lưu ý.

Năm 2023, ngành nông nghiệp Đồng Nai tiếp tục khẳng định là bệ đỡ của nền kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng của tỉnh, với giá trị đạt hơn 49.000 tỷ đồng, tăng 3,94% so với cùng kỳ, cao hơn bình quân chung cả nước và đứng thứ 3 trong vùng Đông Nam Bộ, đóng góp 9,64% giá trị trong tổng GRDP toàn tỉnh Đồng Nai.

Sỹ Tuyên (TTXVN)
Nhân rộng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Nhân rộng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Để tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm, tỉnh Ninh Thuận đang tập trung xây dựng, chuyển giao và nhân rộng nhiều mô hình ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản nhằm tạo ra hàng hóa chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN