Hiện nay, nhiều cơ sở, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn đang tích cực đầu tư ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào trồng các loại cây như: nho, táo, hành, tỏi, măng tây, nha đam, dưa lưới, dưa lê, hoa lan, bưởi da xanh, chuối, chanh không hạt... Sản xuất theo công nghệ canh tác thủy canh, khí canh, trồng trên giá thể trong nhà màng, bao lưới, tưới tiết kiệm tự động kết hợp quy trình chăm sóc tối ưu để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Tại vùng trồng táo ở thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, ông Tô Công Tưởng đã mạnh dạn đầu tư 17 triệu đồng mua lưới bao phủ toàn bộ vườn táo rộng 1,2 sào (1.200 m2). Nhờ bao lưới vườn táo, ông không còn phải vất vả xịt thuốc bảo vệ thực vật để ngăn ruồi vàng. Trước kia không bao lưới ngăn ruồi vàng thì bình quân một sào táo cho 4 tấn thì chỉ hái được 1,5 đến 2 tấn quả, tỷ lệ quả hỏng phải bỏ đi rất nhiều. Giờ bao lưới thì thu trọn cả 4 tấn, quả hái đến đâu thương lái đến thu mua đến đó - ông Tưởng chia sẻ.
Nhiều nông hộ, trang trại đang đẩy mạnh áp dụng mô hình bao lưới cho vườn táo. Phương pháp này có nhiều ưu điểm như ngăn được ruồi vàng, che bớt sương muối, gió bấc làm thui lá, gãy cành, mưa gió gây rụng quả, cản bớt ánh sáng mặt trời chiếu vào quả táo, bảo vệ quả bớt bị rám vỏ và sậm màu. Từ đó, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Đến nay, toàn tỉnh có khoảng 830 ha táo áp dụng phương pháp bao lưới, chiếm gần 80% diện tích táo toàn tỉnh.
Là tỉnh vùng duyên hải, tận dụng hệ thống đầm, vịnh, ao đìa đa dạng cộng thêm môi trường biển, nhiệt độ và độ mặn rất thích hợp nuôi một số loại cá biển và nhuyễn thể nên các trung tâm, công ty sản xuất giống tại Ninh Thuận đang đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất nguồn giống các loại cá biển có giá trị kinh tế cao như: mú Trân Châu, bớp, chẽm, chim vây vàng, bè vẩu, mực... Đồng thời, áp dụng mô hình biển lồng công nghiệp theo công nghệ Na Uy nuôi kết hợp các loài hải sản theo hình thức hữu cơ, sinh thái để nâng cao năng suất gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Điển hình như mô hình nhân giống, nuôi mực trong môi trường biển bán tự nhiên của anh Nguyễn Bá Ngọc ở xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải. Anh Ngọc đã đầu tư 2 lồng nuôi mực hiện đại bằng nhựa HDPE với quy mô gần 2.400 m2 nuôi mực bố mẹ để lấy trứng và nuôi mực thương phẩm. Ưu điểm của mô hình này là diện tích lớn, xung quanh có lưới bao, phần đáy là đáy biển nên mực vẫn tìm được nguồn thức ăn tự nhiên. Trung bình 1 lồng nuôi biển với diện tích 1.000 m2 thả khoảng 10.000 con mực giống. Sau 5 - 6 tháng nuôi cho thu hoạch bình quân khoảng 7 tấn mực, đem lại lợi nhuận từ 400 - 500 triệu đồng/vụ, nuôi được 2 vụ/năm.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận, tỉnh đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút, hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tính đến nay, toàn tỉnh đã thu hút đầu tư 31 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đi vào hoạt động gồm: 18 dự án trồng trọt, 3 dự án chăn nuôi, 8 dự án thủy sản, 2 dự án chế biến nông sản. Các địa phương đã nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ với diện tích hơn 4.900 ha, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước gần 14.300 ha. Ngoài ra, tỉnh hiện có diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 260 ha.
Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu hướng chủ đạo và tất yếu trong xu thế hội nhập. Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh đã xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, xuất khẩu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tạo sự đột phá đưa nông nghiệp công nghệ cao trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của địa phương.
Ninh Thuận đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị ngành nông nghiệp đạt từ 3-4%/năm; trong đó, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt từ 30-40%/năm. Đến năm 2025, tỉnh sẽ có từ 3-5 vùng nông nghiệp công nghệ cao với diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 1.000 ha, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 700 triệu đồng/ha.
Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có khoảng 30 dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoạt động hiệu quả; trong đó, mỗi huyện có từ 4-6 dự án, ưu tiên lựa chọn phát triển sản phẩm đặc thù có tiềm năng xuất khẩu. Sản lượng sản xuất tôm giống đạt trên 50 tỷ con, chủ động sản xuất khoảng 30% tôm thẻ chân trắng bố mẹ và 40% tôm sú bố mẹ; 100% cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và được giám sát an toàn dịch bệnh.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, Ninh Thuận đang tập trung huy động nguồn lực triển khai thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp; trong đó, tập trung tuyên truyền về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật các vùng sản xuất, khu nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường nghiên cứu, lựa chọn giống và các quy trình, công nghệ sản xuất - Phó Chủ tịch Lê Huyền nhấn mạnh.
Cụ thể, Ninh Thuận tăng cường hợp tác với các Viện nghiên cứu, Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh triển khai chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp, phối hợp phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ, tư vấn, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học; hợp tác phát triển du lịch trải nghiệm; quảng bá nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sinh thái; hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, Ninh Thuận cũng tăng cường huy động nguồn lực triển khai chương trình khuyến công, khuyến nông hỗ trợ máy móc, trang thiết bị cho cơ sở sản xuất phát triển ngành nghề chế biến, cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Các đơn vị chức năng tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ địa phương xây dựng, đăng ký, bảo hộ và phát triển nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu OCOP liên quan đến sản phẩm thế mạnh, đặc thù của địa phương.
Đồng thời, tỉnh cũng tích cực hỗ trợ xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm vào kênh phân phối hiện đại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử; chú trọng hợp tác phát triển du lịch trải nghiệm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp sinh thái; đẩy nhanh chuyển đổi số đối với hoạt động phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.