Theo phóng viên TTXVN tại Canada, đồng CAD đứng ở mức 82,08 xu Mỹ/CAD ở thời điểm đầu giờ chiều 6/5 (giờ miền Đông ở Bắc Mỹ), ghi nhận mức cao nhất kể từ tháng 9/2017.
Theo các chuyên gia phân tích, có hai xu hướng đẩy đồng CAD tăng giá. Thứ nhất, triển vọng tích cực của nền kinh tế toàn cầu thời hậu COVID-19 đang giúp các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Canada lên giá. Giá gỗ xẻ đã đạt mức cao kỷ lục do hoạt động xây dựng bùng nổ, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) vọt lên 65 USD/thùng trong tuần này, mức cao nhất kể từ khi đại dịch khởi phát. Giá lúa mỳ đã cán mốc cao nhất kể từ năm 2013 và giá đồng cũng ở mức cao kỷ lục của 9 năm. Chuyên gia kinh tế Doug Porter của Ngân hàng trung ương Canada lưu ý chỉ số giá hàng hóa đã tăng 37% trong vòng 6 tháng qua. Giá hàng hóa tăng vọt là một "điểm cộng" cho nền kinh tế Canada và đang đẩy tăng giá trị đồng nội tệ của quốc gia Bắc Mỹ này.
Nhân tố thứ hai là Ngân hàng trung ương Canada có dấu hiệu tăng lãi suất chủ chốt sớm hơn nhiều so với hầu hết các quốc gia khác. Tại cuộc họp chính sách vào tuần trước, Ngân hàng trung ương Canada thông báo giảm tốc độ mua trái phiếu, một thông điệp cho thấy nền kinh tế có thể cần ít các biện pháp kích thích hơn. Các ý kiến chuyên gia thị trường cho rằng Ngân hàng trung ương Canada có thể tăng lãi suất tới 2 lần vào cuối năm 2022. Nếu Ottawa tăng lãi suất trong khi các quốc gia khác "án binh", Canada sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư đang tìm địa chỉ “dốc hầu bao”. Và đây là nhân tố đẩy tăng giá trị của đồng CAD. Bà Audrey Childe-Freeman, một chiến lược gia về ngoại hối của Bloomberg Intelligence, dự đoán đồng CAD có thể còn tiếp tục tăng giá.
Ngân hàng trung ương Canada hiện kỳ vọng nền kinh tế quốc gia sẽ tăng trưởng 6,5% trong năm nay, cao hơn mức dự báo 4% mà ngân hàng này đã đưa ra trước đó hồi tháng 1. Mức 6,5% cũng cao đáng kể so với mức 5,8% mà chính phủ liên bang đã ước tính trong kế hoạch ngân sách năm 2021.