Đồng Tháp Mười (ĐTM) là một vùng đồng bằng rộng lớn trũng thấp, nằm trọn hạ lưu sông Củu Long, phía tả ngạn sông Tiền, phía Bắc giáp Campuchia với đường biên giới dài 185 km, nằm trên địa bàn 3 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An. Diện tích tự nhiên 696.949 ha, chiếm 17,72% diện tích ĐBSCL.
“Vùng đất chết” thành vùng sản xuất lúa gạo
Khi khai hoang, khai thác ĐTM được 10 năm thì vùng đất hoang sơ nhiễm phèn bao đời nay đã được đánh thức bước đầu. Những cánh đồng lúa ở ĐTM mọc lên, làng nổi, nhà sàn của nông dân sống chung với lũ theo các tuyến kênh cũng bắt đầu định hình. Thời kỳ đầu đổi mới, khó khăn về mọi mặt vẫn còn phía trước, nhất là khó khăn về lương thực. Vào đầu những năm 1980, ta còn phải nhập khẩu lương thực. Chủ trương khai thác đồng trũng hoang sơ, nhiễm phèn tiềm ẩn ĐTM còn nhiều ý kiến khác nhau của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Ông Tiến sĩ MelForw, chuyên gia đất phèn của Hà Lan cảnh báo: Không thể khai thác ĐTM và ông cho rằng chỉ xử lý nước phèn để trồng được lúa sẽ tốn hàng triệu USD cho một ha. Hai chuyên gia của Liên Xô (cũ) hồi đó cũng vào Nông trường Lán Biển (Tiền Giang) lấy mẫu đất mang về nước phân tích và kết luận: “ĐTM không thể trồng lúa”…
Nhưng như Thủ tướng Võ Văn Kiệt khẳng định: “Công cuộc tiến công khai hoang, khai thác ĐTM thực sự là cuộc cách mạng vô cùng quan trọng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của Việt Nam”. Qua 25 năm nhìn lại (1988-2011) công cuộc khai hoang, khai thác ĐTM đã thành công. Nhiều tỉnh đã đi vào chuyên canh lúa chất lương cao, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, hoa màu các loại theo tiêu chuẩn GAP quốc gia và quốc tế… Riêng diện tích trồng lúa từ 312.587 ha năm 1987 lên 609.225 ha năm 2010. Năng suất lúa từ 2 đến 3 tấn/ha lên 5,54 tấn/ha bình quân cho toàn vùng; sản lượng lúa năm 2010 của vùng ĐTM đã đạt 4.754.679 tấn hàng hóa cung cấp cho xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.
Từ “vùng đất chết” hoang sơ ngập nước và có vùng 8 tháng ngập từ 2 m đến 4 m vào mùa mưa, hàng chục ngàn ha lau sậy, cỏ năn, lúa trời, mùa khô đất nhiễm phèn sâu tiềm ẩn bám vàng cả gốc tràm, cỏ năn...; ngày nay, ĐTM đã là một vùng sản xuất nông nghiệp, trở thành kho lương thực, thực phẩm hàng hóa lớn của Việt Nam.
Công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu
Đánh bắt thủy sản mùa nước nổi ở Tân Hưng-Long An. Ảnh: Đoàn Minh Thuyết |
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, đến nay hệ thống thủy lợi cải tạo đất phèn, kiểm soát lũ đã phân bổ đều khắp vùng Đồng Tháp Mười, gồm: 22 kênh trục chính dài 593 km, kênh cấp 2 có 1.757 km và hệ thống kênh cấp 3, kênh nội đồng. Hệ thống thủy lợi đã tạo cho toàn vùng cơ bản kiểm soát được lũ, đưa 2/3 diện tích phèn hoang hóa (143.000 ha) được cải tạo thành đất trồng lúa , góp phần đưa diện tích canh tác 2-3 vụ/năm lên 200.000 héc-ta. Tỉnh đã bố trí gần nửa triệu nông dân không đất vào canh tác ổn định trên vùng đất mới ĐTM. |
ĐTM không chỉ có vùng trồng lúa chủ lực mà còn nhiều hàng hóa nông sản khác như thủy sản nước ngọt, khóm (dứa) và các loại cây ăn trái khác. Do đó, các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang đã đầu tư quy hoạch xây dựng các khu cụm công nghiệp ngay nội vùng ĐTM. Tại Đồng Tháp, cuối năm 2010, tỉnh đã quy hoạch tổng thể 32 cụm, khu công nghiệp tập trung, trong đó có 13 cụm công nghiệp thuộc vùng ĐTM như Cụm công nhiệp Bình Thành, cụm công nghiệp Tân Thạnh (huyện Thanh Bình) đã có trên 10 dự án đi vào hoạt động. Cụm công nghiệp Cần Lố, Mỹ Hiệp, Phong Mỹ (huyện Cao Lãnh) với tổng diện tích 75 ha thu hút gần 10 dự án như chế biến thủy sản xuất khẩu, chế biến lúa gạo xuất khẩu, chế biến dược xuất khẩu, chế biến giết mổ gia súc, gia cầm xuất khẩu… Các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông cũng đã thu hút hàng chục dự án trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực: Chế biến nông sản, thủy sản, thức ăn gia súc gia cầm thủy sản…
Tỉnh Long An cũng có 3 khu, cụm công nghiệp trong vùng ĐTM như: KCN Tân Thành (huyện Thủ Thừa), Nhựt Chánh, Thạnh Đức (huyện Bến Lức) với hàng chục dự án đi vào hoat động như may mặc, chế biến công cụ nông nghiệp, gia công lắp ráp cơ khí, điện tử, sản xuất sơn, vật liệu xây dựng…
Tỉnh Tiền Giang cũng đã quy hoạch 3 khu công nghiệp thuộc ĐTM như: KCN Tam Hiệp, Tân Hương (huyện Châu Thành), Long Giang (huyện Tân Phước) với tổng diện tích quy hoạch là 532 ha, thu hút nhiều dự án chế biến nông - lâm - thủy sản và các dự án thân thiện với môi trường.
Các khu, cụm công nghiệp trên vùng ĐTM được các tỉnh quy hoạch ngay trên các vùng nguyên liệu lúa, cá, khóm… vừa thu hút lao động vùng nông thôn vừa gắn liền với các vùng nguyên liệu để thực hiện chủ trương “tam nông”, góp phần tăng tỷ trọng công nghiệp cho các tỉnh.
Khai thác ĐTM theo hướng bền vững và đối phó với biến đổi khí hậuVùng ĐTM được khai thác theo phương châm gắn với bảo tồn hệ sinh thái ngập nước và đối phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt là bố trí dân vùng ngập sâu vào mùa nước nổi theo cụm tuyến dân cư. Chính phủ có chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ ở vùng ngập lụt thường xuyên ở ĐBSCL, trong đó chủ yếu là vùng ĐTM.
Sen hồng, một trong những loài sen được bảo vệ ở vùng ngập nước Đồng Tháp Mười. Ảnh: Đoàn Minh Thuyết |
Với 1.043 cụm tuyến dân cư vượt lũ được quy hoạch, đến tháng 4/2004, trên 80% diện tích cụm tuyến dân cư được tôn nền, xây dựng bờ bao. Nhưng đến nay, việc xây nhà mới đạt 13.256/170.000 căn, chiếm 7,8%. Số hộ vùng ngập sâu thường xuyên mới có 14.063 hộ vào ở, đạt 7,4%. Các nhà khoa học xã hội cho rằng, phải chăng việc quy hoạch cụm, tuyến dân cư vùng lũ chưa phù hợp với môi trường sống làng xóm của vùng sông nước, sống chung với mùa nước nổi? Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư sống chung với lũ với nguồn vốn của nhà nước rất lớn nhưng triển khai rất chậm và hình như mô hình này chưa thiết thực đối với cư dân ĐTM? Dân cư vùng lũ chưa an cư, lạc nghiệp là một yếu tố thách thức đối với công việc xây dựng “nông thôn mới” ở ĐTM.
Các nhà khoa học trong nước và quốc tế cũng rất quan tâm đến việc bảo tồn hệ sinh thái ngập nước và các động thực vật ở ĐTM. Hiện nay, ĐTM còn khoảng 53.000 ha với cây tràm là chủ yếu. ĐTM có các vùng sinh thái khu bảo tồn ngập nước như: Vườn Quốc gia Tràm Chim (Tháp Mười), vườn chim Gáo Giồng (Cao Lãnh), rừng tràm nguyên sinh Xẻo Quít (Tiền Giang) khu bảo tồn ngập nước Làng Sen (Long An)… Theo thống kê, toàn vùng có 200 loài chim nước, chiếm 1/4 loài chim nước Việt Nam. Trong đó có nhiều loài chim quý hiếm, nổi tiếng nhất là loài sếu đầu đỏ - một trong 15 loài sếu còn tồn tại trên thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng và Tràm Chim là nơi cư trú của 60% quần thể sếu đầu đỏ. Ngoài chim, Vườn quốc gia Tràm Chim còn có các loài thực vật phong phú như: Sen trắng, sen hồng, sen nửa trắng, nửa hồng, năn, lác, lúa trời, bông súng và các loài thủy sản khác như lươn, rắn rùa, cá…
Xậy dựng thành phố ĐTM Tiến sĩ Nguyễn Văn Đúng: “Nên quy hoạch xây dựng thành phố mới Đồng Tháp Mười trực thuộc Trung ương trên cơ sở lấy một phần diện tích của 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và ĐồngTháp. Việc này có ý nghĩa đột phá cho sự phát triển của khu vực ĐBSCL, chúng ta cần tính đến trong 3 khâu đột phá chiến lược được lựa chọn trong phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2010-2020. Quan điểm “ổn định để phát triển” trước đây, nay cần thay đổi bằng mục tiêu: “Thay đổi để bứt phá”. Qua đó sẽ tạo ra một tam giác phát triển: Thành phố Hồ Chí Minh - thành phố Cần Thơ - thành phố ĐTM. Nhờ đó, sẽ tạo được bứt phá trong phát triển cho ĐTM và cho cả vùng ĐBSCL, góp phần làm giàu cho cả nước”.
Đầu tư KHCN vào ĐTM Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT Tiền Giang Trần Hoàng Diệu: “Kết quả nghiên cứu KHCN đã đưa ra nhiều quy trình, giải pháp, mô hình để ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp; như quy trình trồng rau, lúa gạo, trái cây hữu cơ an toàn theo hướng GAP, mô hình kho bảo quản lúa giống cấp cộng đồng, mô hình giao thông nông thôn… Nhiều quy trình, mô hình được phổ biến và áp dụng vào đời sống và sản xuất, tạo đột phá dẫn đường cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội tiếp theo. Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được chú trọng đổi mới các thiết bị, cải tiến mẫu mã, tăng số lượng chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ quảng bá thương hiệu cùng các hệ thống chất lượng quốc tế, tham gia giải thưởng chất lượng Việt Nam của các doanh nghiệp đã tạo bước tiến mới trong quá trình hội nhập. Kết quả trên góp phần đáng kể vào việc khai thác và phát triển vùng đất ĐTM nói chung và ĐTM của Tiền Giang nói riêng”. |
Quốc Thái - Minh Thuyết - Văn Thi